Mặc dù đã đầu tư gần 10 triệu ơ-rô cho việc cải tạo hệ thống thoát nước của thành phố nhưng tình trạng tiêu thoát úng vẫn chưa được cải thiện là bao. Sau những trận mưa vừa, mưa to, nhiều khu vực vẫn bị ngập sâu.
Tình trạng ngập úng đường phố vẫn diễn ra sau mỗi trận mưa lớn. Ảnh chụp lúc
11 giờ 30 ngày 30-6 tại đường Nguyễn Lương Bằng
Chỉ sau mấy trận mưa đầu mùa, TP Hải Dương lại tái hiện hình ảnh ngập úng thường thấy ở các mùa mưa trước. Nước ngập ngụa khắp phố, nước tràn cả vào công sở, nhà dân. Ngoài việc gây khó khăn cho đời sống sinh hoạt, đi lại của mọi người và gây ô nhiễm môi trường thì tình trạng ngập úng còn cho thấy sự lỏng lẻo trong công tác quản lý đô thị, chậm trễ trong xây dựng, triển khai các giải pháp thoát nước trên địa bàn thành phố.
Thành phố có địa hình tương đối bằng phẳng, nhưng trũng hơn so với một số khu vực lân cận. Lượng mưa hằng năm khoảng từ 1.150 mm đến 1.880 mm. Chế độ mưa phân bố không đều, tập trung vào các tháng 6, 7 và 8. Tổng diện tích hệ thống ao hồ, sông ngòi, hào thành ở TP Hải Dương là hơn 62 ha; độ sâu lớn nhất của hệ thống sông, hào thành có khả năng chứa nước là 5,5 m và thấp nhất là 1,6 m. Dung tích của hồ, hào thành 3.444.650 m3. Mực nước cố định ở các hồ luôn ở cốt +1 m nên dung tích chứa của hồ khi trời mưa chỉ còn 1.597.065 m3. Khảo sát trên cũng được thực hiện tại 65 điểm, thuộc 12 tuyến đường có liên quan đến độ dốc thoát nước mặt của TP Hải Dương cho thấy, hệ thống thoát nước của thành phố được xây dựng theo địa hình tự nhiên, dốc từ đông sang tây, từ bắc xuống nam. Trong đó, gần 40km đường ống thoát nước nội thành có đường kính ống từ 0,2-1 m. Nhiều đường ống thoát nước nội đô được xây dựng từ nhiều năm và đã bị hư hỏng rất nhiều. Có những đoạn ống mương đã bị vỡ, sập cát, cỏ mọc đầy đường ống gây tắc nghẽn dòng chảy như đường Nguyễn Lương Bằng, Bùi Thị Cúc, Hoàng Văn Thụ...
Từ khảo sát trên cho thấy, việc úng ngập cục bộ tại TP Hải Dương trong những trận mưa vừa qua không khó lý giải. Vậy cơ quan chức năng của TP Hải Dương đã triển khai những biện pháp gì để khắc phục?
Theo ông Đào Nguyên Vĩ, Giám đốc Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương: Khi tính toán thiết kế hệ thống thoát nước mưa đô thị thì yếu tố quan trọng nhất là khả năng chứa nước mưa của hệ thống thoát nước. Để tiết kiệm chi phí xây dựng, người ta tính toán tiết diện cống chỉ đủ truyền tải lưu lượng nước mưa của lưu vực thoát nước, còn để chứa nước mưa phải có các hồ điều hòa hoặc diện tích có khả năng chứa tạm thời toàn bộ nước mưa của lưu vực tính toán trước khi được hệ thống cống dẫn về các trạm bơm hoặc cửa xả. Thông thường người ta lợi dụng ao, hồ, kênh, mương có sẵn trong khu vực để điều hòa nước mưa. Thực tế hiện nay cho thấy, khu vực trung tâm thành phố thuộc lưu vực của trạm bơm Ngọc Châu có trên 50 ha diện tích hồ điều hòa nên các trận mưa có lưu lượng 150-200 mm vẫn không xảy ra ngập lụt. Trong khi đó, các khu vực không có hồ điều hòa như phố Đền Thánh, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Diệu... thường xảy ra ngập lụt ngay khi gặp những trận mưa dưới 50 mm. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa nhanh, hầu hết diện tích mặt nước ở các khu vực này đã bị san lấp, bán để sử dụng, dẫn đến các khu vực còn lại trong thành phố, kể cả đô thị mới phía tây và phía đông đều thiếu hồ điều hòa. Theo tính toán, thành phố hiện còn thiếu 350 ha hồ điều hòa.
Từ năm 2002, TP Hải Dương đã triển khai dự án thoát nước và xử lý nước thải bằng nguồn vốn ODA, với tổng trị giá 8,5 triệu ơ-rô, do Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương làm chủ đầu tư. Dự án có 2 gói thầu, triển khai tại 8 phường, với các hạng mục xây dựng cống thoát nước, cải tạo hệ thống cống cũ và xây dựng cống mới; xây dựng cống bao quanh các hồ, hào thành để thu gom, xử lý nước thải trước khi xả vào nguồn chung. Khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, dự án sẽ cơ bản khắc phục được tình trạng úng ngập tại các trọng điểm ở TP Hải Dương. Về lâu dài, cùng với việc thường xuyên khơi thông dòng chảy, vớt các vật cản dưới lòng kênh, cải tạo các trạm bơm tiêu úng thì tình trạng ngập lụt ở TP Hải Dương sau mưa sẽ được cải thiện. Theo thỏa thuận, toàn bộ dự án phải hoàn thành vào năm 2009. Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo các cơ quan chức năng, tiến độ của dự án đã chậm khoảng 15 tháng so với yêu cầu, chủ yếu do năng lực của nhà thầu thi công có nhiều hạn chế. Đồng thời, do thi công trong không gian chật hẹp, đông dân cư nên tiến độ của dự án cũng đã bị ảnh hưởng đáng kể.
Cách đây vài năm, một kiến trúc sư đã có đề tài “Nghiên cứu đề xuất phương án quy hoạch và xử lý hệ thống thoát nước TP Hải Dương”. Đề tài này đã được Sở Xây dựng chủ trì và Công ty Tư vấn xây dựng và phát triển đô thị Hải Dương phối hợp thực hiện. Đề tài đã đưa ra định hướng phương án quy hoạch hệ thống thoát nước tự chảy trong đó, có nhiều giải pháp được quan tâm. Đó là cần cải tạo và nạo vét dòng sông Sặt từ Cầu Cất chảy theo đường 391 và đổ thẳng ra sông Thái Bình với chiều dài khoảng 5 km. Tận dụng đoạn sông Sặt từ Cầu Cất vào thành phố làm hồ chứa và hồ điều hoà. Nối thông đoạn sông Sặt khu cầu Hồng Quang với sông Sặt đoạn Cầu Cất thành một hồ chứa. Cải tạo cống Âu Thuyền ra sông Thái Bình, tiêu thoát tự chảy ra sông Thái Bình khi mực nước ra ngoài sông thấp hơn trong thành phố. Tại khu vực gần Cầu Cất xây dựng hệ thống cống điều tiết nước sông Sặt vào pha loãng nước ô nhiễm trong các hồ, hào thành. Ngoài ra, đề tài còn phân lưu vực thoát nước thành 4 lưu vực; giải quyết trước mắt chống ngập úng cho khu vực nội thị... Đề tài nói trên được đánh giá cao, tuy nhiên vì nhiều lý do nên việc triển khai đã không được như mong đợi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, do thiếu vốn nên đến thời điểm này dự án hệ thống thoát nước tổng thể chưa được triển khai ở 2 phường Tân Bình và Thanh Bình. Đây cũng chính là 2 phường liên tục hứng chịu tình trạng úng ngập nặng nề sau mưa trong những năm qua. Năm nay, qua một số cơn mưa lớn tuy không dài, song người dân đã tiếp tục phải chịu đựng cảnh ngập nước nghiêm trọng. Đặc biệt trên các đường Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Thị Duệ và các khu dân cư cũ xung quanh khu đô thị mới phía tây thành phố. Vậy là, đến hẹn lại lên, TP Hải Dương vẫn động mưa là ngập. Người dân vẫn tiếp tục rơi vào tình cảnh chấp nhận “sống chung với nước ngập” do mọi cố gắng của các ngành chức năng vẫn đang dậm chân tại chỗ. Nguyện vọng lớn nhất của nhân dân trong lúc này là các phương án tổng thể xử lý nước thải và thoát nước trên toàn địa bàn thành phố cần được áp dụng và triển khai đồng bộ. Trước mắt, cần có giải pháp tạm thời và đưa vào áp dụng ngay trong mùa mưa này. Đồng thời, tỉnh cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn để các dự án thoát nước trên địa bàn TP Hải Dương sớm được triển khai hiệu quả.
TIẾN HUY