Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tổ chức công đoàn đã có sự thay đổi về phương thức vận động, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS).
Công nhân Công ty TNHH Global Resourcees Group Việt Nam (khu công nghiệp Phú Thái) bỏ phiếu
bầu Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở lâm thời
Quyền tự quyếtĐiều 17 Điều lệ Công đoàn Việt Nam được Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI thông qua ngày 30-7-2013 đã nêu rõ nội dung việc thành lập CĐCS. Thay đổi lớn so với trước đây là người lao động (NLĐ) có quyền tự đứng ra thành lập CĐCS. Khi nhận thấy có sự tin tưởng vào tổ chức công đoàn, NLĐ sẽ thành lập Ban vận động (BVĐ). BVĐ sẽ tuyên truyền sâu rộng đến NLĐ tại đơn vị mình. Ban có trách nhiệm tập hợp đơn tự nguyện gia nhập tổ chức công đoàn của NLĐ. Sau đó, nhờ sự hướng dẫn của công đoàn cấp trên, NLĐ tự tổ chức lễ thành lập CĐCS. Bước cuối cùng là trình để công đoàn cấp trên công nhận CĐCS. Như vậy có thể thấy hầu hết công việc đều do NLĐ tự quyết định.
CĐCS Công ty CP Tự động hóa công nghiệp Hải Dương (trực thuộc Liên đoàn Lao động TP Hải Dương) vừa mới được thành lập theo phương thức này. Chị Trần Thị Duyên làm việc ở bộ phận nhân sự của công ty là thành viên trong BVĐ. Trong buổi lễ thành lập CĐCS, chị Duyên được công, nhân lao động tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch CĐCS công ty. Chị Duyên đã từng làm ở một đơn vị khác, có thời gian dài tham gia tổ chức công đoàn. So sánh giữa 2 phương thức vận động thành lập CĐCS mới và cũ, chị Duyên nhận xét: "Theo phương pháp này việc gia nhập tổ chức công đoàn do NLĐ hoàn toàn tự quyết định. Ban Chấp hành CĐCS lâm thời cũng do NLĐ tự bầu ra. Điều này khiến NLĐ thấy được tôn trọng, tránh việc doanh nghiệp chỉ định nhiều việc như trước đây".
16 giờ 30 ngày 14-10 vừa qua, không khí tại nhà ăn của Công ty TNHH Blue Tec Vina (khu công nghiệp Phú Thái, Kim Thành) sôi nổi hơn hẳn những bữa ăn ca thường ngày. 20 công nhân được tham gia buổi lễ thành lập CĐCS. Khách mời là đại diện Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh và lãnh đạo doanh nghiệp chỉ ngồi chứng kiến. BVĐ tự điều hành buổi lễ. Sau phần đọc danh sách những công nhân tự nguyện viết đơn xin gia nhập công đoàn là nội dung bầu Ban Chấp hành CĐCS lâm thời. Những người được đề cử đều làm tại các bộ phận sản xuất của công ty, do BVĐ giới thiệu và có sự nhất trí cao của tất cả công nhân tham dự buổi lễ. Chị Trần Thị Anh, công nhân bộ phận gia công cho biết: "Sau khi nghe BVĐ tuyên truyền, tôi đã tham khảo thêm ý kiến của những người quen đang là đoàn viên công đoàn. Thấy rất thiết thực nên tôi viết đơn tình nguyện gia nhập tổ chức. Các cán bộ công đoàn được bầu đều là những anh chị em công nhân thường ngày vẫn làm việc cùng nên mọi người rất hiểu và đồng cảm với nhau. Chúng tôi tin tưởng họ sẽ làm tốt vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên".
Xu hướng tất yếuSau khi ban hành Điều lệ thành lập CĐCS theo phương thức mới, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã áp dụng thí điểm tại một số địa phương. Ở Hải Dương, đến đầu năm 2016 mới bắt đầu triển khai. Đây được coi là xu hướng tất yếu, phù hợp, nhất là khi nước ta đã ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi hiệp định này có hiệu lực, những công đoàn độc lập (khác hệ thống công đoàn hiện nay) sẽ được phép thành lập ở các đơn vị, doanh nghiệp, cạnh tranh trực tiếp với hệ thống công đoàn hiện có. Vì vậy, việc thay đổi trong phương pháp vận động, thành lập CĐCS giúp chúng ta chủ động nâng cao chất lượng hoạt động để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người lao động.
Theo chủ trương này, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn về vận động, thành lập CĐCS theo phương pháp mới cho các cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở; quán triệt sâu sắc việc thực hiện đến tất cả các công đoàn cấp huyện, ngành. Đến nay đã có một số công đoàn cấp trên cơ sở triển khai thực hiện đạt kết quả tốt. Tiêu biểu là Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh đã vận động thành lập được 10 CĐCS, LĐLĐ TP Hải Dương 4 CĐCS...
Ngoài những kết quả bước đầu, việc vận động, thành lập CĐCS theo phương thức mới cũng còn gặp nhiều khó khăn. Nếu theo phương thức truyền thống, chỉ cần sự đồng ý của chủ doanh nghiệp thì mọi việc diễn ra rất nhanh gọn. Còn theo cách mới, đòi hỏi cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở mất nhiều thời gian, công sức, nhất là việc xác định những công nhân nòng cốt để xây dựng BVĐ tuyên truyền cho NLĐ. Nếu không tìm đúng người thì việc tuyên truyền sẽ bị hạn chế, hiệu quả vận động không cao. Theo bà Phạm Thị Thu Hoài, Chủ tịch LĐLĐ TP Hải Dương, một trong những kinh nghiệm để làm tốt là phải tạo dựng được lòng tin với cơ sở. Cán bộ công đoàn làm công tác vận động, thành lập phải nhiệt tình, tận tâm. Trong thực tiễn có thể vận dụng linh hoạt cả 2 phương pháp cũ và mới bởi nếu như tranh thủ được sự ủng hộ của chủ sử dụng lao động thì việc tuyên truyền cho NLĐ sẽ dễ dàng hơn. Họ sẽ tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thời gian... để NLĐ tham gia tổ chức công đoàn thuận lợi.
THANH NGA