Toan tính bành trướng của Trung Quốc

11/05/2014 07:26

Những ngày qua, dư luận trong nước cũng như quốc tế rất phẫn nộ trước việc Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan vào vùng biển thềm lục địa của Việt Nam.

>>Hội Luật gia Việt Nam kịch liệt phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc

>>Luôn sẵn sàng, không bao giờ lùi bước
>>Việt Nam sẽ sử dụng sức mạnh tổng hợp để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ


>>Trung Quốc ngang ngược tố Việt Nam "can thiệp"
>>
Bắc Kinh phải tuân thủ UNCLOS
>>
Yêu cầu Trung Quốc rút hết giàn khoan HD-981
>>
CNOOC phải rút ngay giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam
>>
Phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan đến vùng biển Việt Nam



Pháo trên tàu 44103 của Trung Quốc


Bắc Kinh cũng điều động hơn 80 tàu các loại cùng hàng chục máy bay bảo vệ cho hoạt động phi pháp này.

Mục đích chính trị

Nhận định về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, ông Taylor Fravel (Tay-lo Phrây-ven), giáo sư chính trị học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ), chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề lãnh thổ của Trung Quốc nhận định, đây là hành động phục vụ ý đồ chính trị của Bắc Kinh.

Trả lời phỏng vấn nhật báo New York Times, giáo sư Fravel cho rằng, xét về mặt kinh tế, chưa có cơ sở chứng minh khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan có trữ lượng hydrocarbon lớn. Vì thế, hạ đặt giàn khoan HD-981 với chi phí xây dựng khoảng 1 tỷ USD và chi phí vận hành lớn không phải là một dự án nhiều tiềm năng. Từ đây có thể thấy rằng, Trung Quốc sử dụng giàn khoan là nhằm khẳng định và thực thi quyền tài phán đối với các vùng nước mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.

Đánh giá về cơ sở pháp lý của việc Việt Nam khẳng định Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ, giáo sư Fravel khẳng định, vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tính từ đường cơ sở. Giàn khoan cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 120 hải lý, và vì thế nằm trên thềm lục địa của Việt Nam và nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Về tác động khu vực trước hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc, giáo sư Taylor cho rằng hành động của Trung Quốc nhằm củng cố vững chắc hơn nhận thức của các quốc gia cũng có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông rằng, Bắc Kinh luôn có tham vọng mở rộng lãnh thổ và thích hành động đơn phương. Giáo sư Taylor nhấn mạnh, các hành động của Trung Quốc trong những năm qua như mời các công ty dầu khí nước ngoài đầu tư khai thác tại các lô ngoài khơi bờ biển Việt Nam cho thấy, Bắc Kinh có thiên hướng muốn bành trướng.

Ngoài ra, giáo sư Fravel cũng đánh giá trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) vừa kết thúc chuyến công du tới khu vực, trong đó có chuyến thăm 2 quốc gia cũng có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông là Malaysia (Ma-lai-xi-a) và Philippines (Phi-líp-pin), hành động của Trung Quốc cho thấy nước này có thể đang tìm cách thử thách cam kết "xoay trục" sang châu Á của Washington (Oa-sinh-tơn).

Việt Nam không đơn độc

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế cho rằng, đây là chiến thuật mới của Trung Quốc nhằm thực hiện mục tiêu lấn chiếm Biển Đông thời kỳ “hậu Crimea”. Mục tiêu chiến thuật này gồm 2 phần: Một là, chiếm đảo Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện Philippines đang kiểm soát trái phép qua chiến thuật “cây bắp cải”: bao vây điểm đồn trú của Philippines tại hòn đảo nửa chìm nửa nổi này, không cho chi viện và tiếp tế, buộc Philippines phải rút quân đồn trú để rồi kiểm soát toàn bộ vùng biển phía tây Philippines. Hai là, đưa giàn khoan vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để trước hết thăm dò, sau đó khai thác dầu khí. Sau khi hoàn thành mục đích này, Bắc Kinh sẽ tiến tới khu vực Malaysia đang kiểm soát ở cực nam Biển Đông. Như vậy, mục đích hoàn thành chủ trương “tích cực lấn chiếm, tích cực khai thác” Biển Đông được Bắc Kinh theo đuổi nhiều năm nay thông qua cái gọi là chủ quyền "đường lưỡi bò" phi pháp. Và cuối cùng là để thiết lập “trật tự Trung Hoa” ở vùng biển quan trọng này của thế giới. Hành động trên của Trung Quốc còn cho thấy nước này tiếp tục thực hiện chủ trương “lục hoãn, hải khẩu” (trên đất liền hòa hoãn, dưới biển tranh chấp) với Việt Nam, hòng lấn chiếm từng bước theo kế sách “ba bước tiến, hai bước lùi”, bao giờ cũng lợi một bước.

Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam đưa cuộc tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ra trước Tòa án Trọng tài quốc tế về Luật Biển của Liên hợp quốc. Ông Trường cho rằng, chúng ta đã làm hết lẽ với Trung Quốc trong khi Bắc Kinh thỏa thuận một đằng lại làm một nẻo. Khi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, chúng ta bảo vệ được chủ quyền biển đảo mà Trung Quốc đã xâm phạm lâu nay, làm rõ được đúng - sai trong vấn đề Biển Đông. Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn được. Việt Nam sẽ được nhiều hơn mất. "Việt Nam không cô độc. Chúng ta đã có nền tảng đối nội, đối ngoại vững vàng, có thể chịu được cuộc thử thách này. Kiện ra tòa án quốc tế, lý trí và ngoại giao sẽ thắng tư tưởng cường quyền", tiến sĩ Trường nhấn mạnh.

Tiến sĩ Dương Danh Huy, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông cũng cho rằng, Việt Nam phải công khai thách Trung Quốc ra tòa về chủ quyền đối với Hoàng Sa. Mặc dù khả năng là Trung Quốc sẽ khước từ, nhưng đó là lỗi của họ chứ không phải của Việt Nam thách họ, và thế giới cũng như người Trung Quốc sẽ thấy nước nào là nước trốn tránh công lý. Ông Huy cho rằng, theo quan điểm của Việt Nam thì vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hai lập luận Việt Nam có thể dùng cho quan điểm này là vị trí này cách đất liền Việt Nam và đảo Lý Sơn dưới 200 hải lý, và vị trí này cách các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam dưới 200 hải lý.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc yêu cầu giải quyết bằng luật pháp quốc tế

Sáng 10-5 (giờ Việt Nam), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon  (Ban Ki-mun) đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về những căng thẳng đang leo thang tại Biển Đông sau khi Trung Quốc đơn phương đặt giàn khoan HD-981 ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, giải quyết bằng con đường hòa bình. Tổng Thư ký Liên hợp quốc hối thúc các bên liên quan kiềm chế tối đa và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ra tuyên bố về Biển Đông

Sáng 10-5 tại Naypyitaw (Nai-pi-đo) của Myanmar (Mi-an-ma), hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN đã ra một tuyên bố riêng rẽ về tình hình Biển Đông. Tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên Biển Đông sau khi Trung Quốc đặt dàn khoan HD-981 vào vùng biển thềm lục địa của Việt Nam. Tuyên bố nêu rõ, hành động của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng tại khu vực đồng thời yêu cầu các bên liên quan, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 phải kiềm chế, tránh các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định của khu vực; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực...


PHƯƠNG LINH(tổng hợp)


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Toan tính bành trướng của Trung Quốc