Tình thương của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ

27/07/2017 11:24

Trong suối nguồn tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, tình cảm yêu thương của Người dành cho thương binh, liệt sĩ hết sức đặc biệt.



Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường Thương binh hỏng mắt (Hà Nội) năm 1956. Ảnh: TTXVN


Theo tư tưởng chỉ đạo của Người, ngày 27.7 hằng năm trở thành Ngày Thương binh, liệt sĩ. Đây là ngày toàn Đảng, toàn quân, toàn dân bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với những người con ưu tú đã hy sinh vì độc lập, tự do và tương lai tươi sáng của dân tộc.

Cách đây 71 năm, báo Cứu quốc ra ngày 10.3.1946 đã đăng Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ. Trong thư Người viết: “Tôi kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà. Ngày 7.11.1946, Người đã đến dự Lễ “Mùa đông binh sĩ” do Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam tổ chức tại Nhà hát lớn TP Hà Nội, vận động đồng bào ở hậu phương đóng góp tiền của để may áo cho chiến sĩ, thương binh, bệnh binh.

Thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 19.12.1946) hàng nghìn thanh niên và nhân dân Hà Nội đã dũng cảm chiến đấu bảo vệ Thủ đô với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Nhiều người đã anh dũng hy sinh, trong đó có những tấm gương tiêu biểu như hai anh em chiến sĩ Vũ Văn Thành và Vũ Đình Tín. Được tin hai anh hy sinh, Bác đã gửi thư chia buồn với bác sĩ Vũ Đình Tụng là cha của 2 chiến sĩ. Trong thư Người viết: “Tôi được báo cáo rằng: con giai của Ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi. Vật chất họ mất, nhưng tinh thần họ sẽ luôn luôn còn với non sông Việt Nam”.

Trước viễn cảnh cuộc chiến tranh vệ quốc có thể kéo dài, sự hy sinh mất mát là khó tránh khỏi, tháng 6.1947, Bác Hồ đã đề nghị Chính phủ nên chọn một ngày nào đó trong năm làm “Ngày thương binh” để đồng bào ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh. Sau đó, một hội nghị đã được tổ chức tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) gồm có một số đại biểu Trung ương, khu Việt Bắc và tỉnh Thái Nguyên. Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27.7 hằng năm là Ngày Thương binh toàn quốc và được tổ chức lần đầu tiên trong năm 1947. Tới tháng 7.1955, Ngày Thương binh toàn quốc được đổi thành Ngày Thương binh, liệt sĩ.

Báo Vệ quốc quân số 11, ngày 27.7.1947 đã đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thường trực Ban Tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”. Người viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh”. Và Người giải thích: “Thương binh là người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đã chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh hùng ấy”. Cuối thư, Người vận động đồng bào nhường cơm sẻ áo giúp đỡ thương binh. Bản thân Người đã xung phong  góp chiếc áo lụa, một tháng lương và tiền ăn một bữa của Người và của tất cả nhân viên Phủ Chủ tịch, tổng cộng là 1.127 đồng để tặng thương binh.

Năm sau, ngày 27.7.1948, trong một bức thư đầy tình cảm thương yêu, Bác viết: “Nạn ngoại xâm như trận lụt to đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con, dân ta. Trong cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững, để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào”. Người xót xa viết: “Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Ngày nay bố mẹ họ mất một người con yêu quý. Vợ trẻ trở nên bà góa. Con dại trở nên mồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sĩ. Tay chân tàn phế của những thương binh sẽ không mọc lại được và những tử sĩ sẽ không thể tái sinh”.

Tấm lòng yêu thương của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ thật không thể nào ghi hết được. Sinh thời, sau khi nghe báo cáo một trận đánh của bộ đội ta, Bác đều dành thời gian quan tâm đến công tác thương binh, liệt sĩ. Người dạy: "Một trận thắng lớn không phải là tiêu diệt nhiều quân địch, điều cốt yếu thắng lợi lớn mà thương vong ít nhất". Như ngay sau Chiến dịch biên giới Thu Đông (năm 1950), Bác cho mời các chiến sĩ có thành tích dũng cảm trong chiến đấu, trong đó có anh La Văn Cầu, người chiến sĩ dũng cảm, dù bị thương nhưng đã chặt đứt cánh tay gẫy rồi lại xông lên phá lô cốt địch. Khi gặp được Bác, anh La Văn Cầu vô cùng xúc động, được ăn cơm cùng Bác và đặc biệt được Bác chăm sóc như người cha già với đứa con từ chiến trận trở về. Bác không quên thăm hỏi anh em thương binh, liệt sĩ toàn đơn vị.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và cho đến khi tuổi cao sức yếu, hằng năm, vào dịp 27.7 Bác đều viết thư thăm hỏi gia đình thương binh, liệt sĩ. Người cũng đi thăm những gia đình liệt sĩ, trại thương binh để động viên, an ủi.

Đặc biệt, khi được báo tin đoàn anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc, bao giờ Bác cũng cho mời các anh chị đến Phủ Chủ tịch để thăm hỏi, động viên. Với những thương binh nặng được Bác hết sức quan tâm, nhiều lần Người đến trực tiếp giường bệnh thăm hỏi. Đặc biệt, đối với chị Trần Thị Lý, người con gái: “Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung, không giết được em - Người con gái anh hùng” như trong bài thơ của nhà thơ Tố Hữu ngợi ca, chị đã được Bác đến động viên nhiều lần… Bác căn dặn các bác sĩ phải điều trị thật tốt cho chị. Bác đã dành một phần tiền lương để lo thuốc men cho chị và một số thương binh nữ.

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa” cũng là một nét truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách đãi ngộ đối với các thương binh, gia đình liệt sĩ. Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, tổ chức xã hội đã có nhiều việc làm thiết thực như thăm hỏi, chăm sóc phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam; tu sửa tôn tạo nghĩa trang, đền thờ liệt sĩ; thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh...

TS. LÊ XUÂN HUY
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh

(0) Bình luận
Tình thương của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ