Càng trong khó khăn gian khổ hy sinh thì bản lĩnh, ý chí, tâm hồn khí phách của dân tộc Việt Nam và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” - người chiến sĩ hải quân càng được khẳng định và tỏa sáng.
Trang nghiêm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên quân đảo Trường Sa. Ảnh chụp năm 2018
Hôm nay 14.3, ngày của 32 năm về trước, để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc trước sự tấn công của lực lượng tàu chiến hải quân nước ngoài, 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân (HQND) Việt Nam anh dũng chiến đấu và đã hy sinh để bảo vệ đá Gạc Ma trước mũi súng của quân thù.
Ông Nguyễn Văn Lanh, một trong số những chiến sĩ đã chiến đấu bảo vệ Gạc Ma năm 1988 may mắn còn trở về, rưng rưng nhắc đến Thiếu úy Trần Văn Phương, người giữ lá cờ đỏ sao vàng giữa đảo: “Những lời cuối cùng của Thiếu úy Trần Văn Phương trong buổi sáng hôm ấy vẫn luôn vẳng bên tai tôi. Anh nói: Tất cả chúng mình quyết giữ lấy hòn đảo này, dù có phải hy sinh, máu chúng mình sẽ tô thắm lá cờ Việt Nam”.
Thiếu úy Nguyễn Văn Phương đã dùng máu và sinh mạng của mình để bảo vệ đảo như lời anh nói. Và khi anh ngã xuống, chiến sĩ Nguyễn Văn Lanh đứng cạnh, lại tiếp tục lao lên, nhận nhiệm vụ giữ cờ. Không ai vì làn đạn của kẻ thù mà lùi bước.
Theo ông Lanh, suốt 30 năm qua, cứ đêm 13.3, những giấc mơ lại đưa ông trở về với đồng đội, với Gạc Ma. Có những đồng đội của ông ngã xuống khi chưa kịp nắm tay một người bạn gái, cũng không để lại một bức ảnh cho người thân...
Nhắc lại sự kiện này, Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân khẳng định: Chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, cán bộ chiến sĩ HQND Việt Nam đã lấy nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ cao cả, thiêng liêng của mình. Những chiến sĩ HQND Việt Nam đã tự kiềm chế để giữ vững nguyên tắc không dùng vũ lực để giải quyết những vấn đề tranh chấp; tuân thủ nghiêm túc Công ước về Luật biển năm 1982 và tập quán quốc tế, vì lợi ích hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực; dù đối phương đã ngang nhiên tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải của ta. Cuộc chiến không cân sức giữa lực lượng xây dựng, bảo vệ đảo và tàu vận tải của ta với nhiều tàu chiến có trang bị vũ khí hiện đại của nước ngoài đã xảy ra.
Càng trong khó khăn gian khổ hy sinh thì bản lĩnh, ý chí, tâm hồn khí phách của dân tộc Việt Nam và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” - người chiến sĩ hải quân càng được khẳng định và tỏa sáng.
Cũng chính từ trong cuộc chiến đấu anh dũng đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đó là cán bộ, chiến sĩ tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125; cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146; Trung đoàn Công binh 83 Hải quân, những tập thể kiên cường đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, dũng cảm, ngoan cường chiến đấu để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Hình ảnh những anh hùng liệt sĩ như Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Đại úy Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng tàu HQ 604; Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma là tấm gương sáng để toàn quân hôm nay noi theo.
Trước sự tấn công của kẻ thù, Anh hùng liệt sĩ, Thiếu úy Trần Văn Phương đã quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình và động viên đồng đội “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”. Và còn rất nhiều tấm gương sáng thể hiện lòng kiên trung, tinh thần chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hiến dâng trọn tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp bảo vệ biển, đảo thiêng liêng.
Cũng theo Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, với tinh thần hướng về Trường Sa thân yêu, hơn 30 năm qua, nhất là những năm gần đây, đồng hành cùng với quân, dân huyện đảo Trường Sa trong quán triệt và triển khai thực hiện những chủ trương, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảo quốc phòng - an ninh các vùng biển, đảo của Tổ quốc còn có sự quan tâm của các cấp, các ngành, các địa phương.
Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, cả nước đã quyên góp ủng hộ bộ đội Trường Sa và nhà giàn DK1 với tổng số tiền và quà trị giá hàng trăm tỷ đồng. Trong đó phải kể đến sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ có hiệu quả kể cả về vật chất và tinh thần của Bộ Quốc phòng, các bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Hôm nay đến với quần đảo Trường Sa, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều dự án dân sinh được triển khai thực hiện và đưa vào khai thác có hiệu quả như: Dự án ánh sáng Trường Sa, năng lượng sạch, trạm tìm kiếm cứu nạn, xây dựng âu tàu, nuôi trồng thủy sản, mở các dịch vụ, sản xuất nhằm mở rộng không gian kinh tế ra ngoài đảo xa, xứng đáng là điểm tựa tiền tiêu của Tổ quốc.
Năm 2018 là năm đánh dấu hệ thống âu tàu, làng chài trên huyện đảo Trường Sa được củng cố tương đối hoàn chỉnh, tạo điều kiện cung ứng hậu cần, sửa chữa tàu thuyền, phát triển dịch vụ nghề cá và là nơi trú đậu an toàn cho các tàu của ngư dân khi gió bão.
Hệ thống âu tàu, làng chài trên huyện đảo Trường Sa chính là tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân về việc phân bổ dịch vụ hỗ trợ ngư dân bám biển, là cơ sở để thực hiện tốt nhất Chỉ thị 45 ngày 13.12.2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định”.
Hiện nay, Quân chủng Hải quân đang tập trung xây dựng, phát triển Khu kinh tế - quốc phòng Trường Sa, đây là hướng mới trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng.
Thực hiện nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng trên biển là nhiệm vụ hết sức khó khăn bởi phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đặc biệt là khoảng cách địa lý, khí hậu... Nhiệm vụ làm kinh tế trên biển không phải hoạt động kinh tế đơn thuần, việc duy trì hoạt động kinh tế biển sạch, ổn định, không ảnh hưởng đến môi trường biển còn là bổn phận, trách nhiệm của Việt Nam đối với khu vực và thế giới.
Theo báo Tin tức