Đó là ý kiến của hầu hết các đại biểu khi thảo luận tại Hội nghị lần thứ 11 (lần 2) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sáng 5.1.
Ông Phạm Văn Tỏ, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ. Ảnh: Thành Chung
Là người tham gia thảo luận đầu tiên, ông Phạm Văn Tỏ, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ thừa nhận việc thực hiện Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19 rất khó vì ảnh hưởng trực tiếp đến con người. Đối với nghị quyết số 18 khi các sở, ngành giảm ít nhất 1 phòng, ban, ông Tỏ cho biết, các cơ quan, đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của các phòng để sáp nhập cho phù hợp. "Khi sáp nhập phát sinh một số vấn đề bố trí nhân sự. Đối với cấp trưởng đã khó nhưng với cấp phó cũng không dễ. Sau sắp xếp, số cấp phó được giữ nguyên nhưng chỉ trong 3 năm", ông Tỏ chia sẻ.
Về việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, ông Tỏ cho biết toàn tỉnh có 38 xã cần phải sáp nhập. Tuy nhiên, việc này phải chờ hướng dẫn của Trung ương.
Đồng tình với ý kiến của ông Tỏ, ông Nguyễn Khắc Toản, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lộc cho rằng đây là việc làm khó, ảnh hưởng đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều người, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý. Đối việc sắp xếp hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, ông Toản cho rằng với quyết tâm chính trị cao của các cấp ủy đảng, chính quyền thì sẽ làm được.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lộc dẫn chứng khi thực hiện Đề án 01 của Tỉnh ủy với việc bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn khu dân cư lúc đầu gặp khó khăn nhưng đến nay đã thành công. Huyện Gia Lộc có 115 đảng viên làm trưởng thôn thì đã bố trí được 114 trưởng thôn làm bí thư chi bộ. 1 trưởng thôn sẽ bố trí trong thời gian tới. Đối với 6 thôn chưa thực hiện được, lãnh đạo huyện yêu cầu cán bộ, công chức xã phải đảm nhiệm chức danh bí thư chi bộ.
Ông Nguyễn Khắc Toản, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lộc. Ảnh: Thành Chung
Ông Toản đề nghị trong xây dựng kế hoạch thực hiện các Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) cần công khai số lượng đơn vị phải thực hiện. Đối với 38 xã không đủ điều kiện về quy mô dân số, diện tích tự nhiên phải sáp nhập cần công khai rõ để cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là cán bộ địa phương đó nắm được.
Đồng tình với ý kiến của ông Toản, ông Trần Văn Quân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thanh Miện cho biết hoàn toàn thực hiện được các Nghị quyết của Trung ương. Theo ông Quân, nên chọn 1 hoặc 2 huyện, thị xã, thành phố làm thí điểm, trên cơ sở rút kinh nghiệm để triển khai đồng bộ. Đối với những nơi Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện thì nơi đó mới nên sáp nhập Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND. Ông Quân đề nghị tỉnh cần có chính sách khuyến khích những người sắp đến tuổi nghỉ hưu có nguyện vọng nghỉ sớm để thuận tiện cho việc sắp xếp lại bộ máy.
Thảo luận về nội dung này, ông Ngô Quang Giáp, Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị tỉnh cần tổ chức đánh giá lại biên chế tại các cơ quan, đơn vị cho sát với đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt. Ông Giáp cho rằng việc giao biên chế nhiều năm nay tại một số cơ quan không thay đổi nhưng chức năng có sự biến động. Đối với việc mỗi sở, ngành phải giảm ít nhất 1 phòng, ban cũng cũng cần phải rà soát lại.
Ông Ngô Quang Giáp, Giám đốc Sở Tư pháp. Ảnh: Thành Chung
Ông Vũ Doãn Quang, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết việc sắp xếp lại các trung tâm có cùng chức năng và việc các chi cục, trung tâm còn từ 2-3 phòng sẽ khó thực hiện. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có 8 trung tâm và 1 chi cục. Một số trung tâm có cùng chức năng nhiệm vụ có thể sáp nhập được nhưng cũng có trung tâm không thể sáp nhập do khác nhau về đặc thù công việc, vị trí địa lý...
SỸ THẮNG