Tính cương trực của trạng nguyên làng Mộ Trạch

15/09/2010 14:36

VũDuy Đoán, người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấnHải Dương (nay thuộc Bình Giang, Hải Dương) là một người cứng cỏi,trung thực và khẳng khái nổi tiếng thời Lê - Trịnh.


Làng Mộ Trạch ngày nay
Theo giai thoại dân gian, mặc dù được cha là Tiến sĩ Vũ Bạt Tụy hết lòng dạy bảo nhưng lúc trẻ Vũ Duy Đoán rất tối dạ, học trước quên sau, đọc sách cả ngày không nhớ nổi một chữ. Đến năm 17 tuổi, quá chán nản, Vũ Duy Đoán không thiết học nữa mà định đổi sang nghề khác, một đêm nằm mộng ông thấy có vị thần cầm dao mổ bụng mình ra, nạo bỏ những chất vẩn đục đi. Hôm sau tỉnh dậy thấy bụng vẫn đau nhưng từ bấy giờ ông trở lên minh mẫn, học hành tiến bộ, dần trở thành người nổi tiếng về văn chương.

Năm Giáp Thìn (1664) Vũ Duy Đoán thi Hương đỗ giải nguyên, rồi thi Hội đỗ Tiến sĩ. Ông được chúa Trịnh Tạc chú ý, ưu đãi vượt bậc nên không lâu sau làm đến chức Thượng thư bộ Công, tuy nhiên không vì thế mà ông qụy lụy. Tính Vũ Duy Đoán ngay thẳng, cương trực, không sợ cường quyền, phê phán ngay cái sai của bất kỳ ai, kể cả đó là vua chúa. Ông từng dâng lên quyển Kim giám lục, khuyên chúa giữ lòng nghiêm cẩn, làm tốt công việc, không nên nghe lời gièm pha, nịnh hót. Chúa đọc xong khen hay và nghe theo

Năm Quý Hợi (1683) Trịnh Tạc sai Vũ Duy Đoán cùng đoàn sứ bộ lên Cao Bằng để giải quyết việc biên giới với nhà Thanh. Khi ấy có một viên nội thần mang tước Hán quận công cũng được cử đi; dù chỉ là một thái giám nhưng được chúa ưu ái nên trong danh sách tên của ông ta viết trên tên Vũ Duy Đoán. Ông rất bất bình tâu rằng: “Thần giữ chức Thượng thư, nay nhà chúa cho Hán quận công được ở trên là không hợp, làm thế chỉ để cho người nước ngoài chê cười, nên thần không dám vâng mệnh”.

Bấy giờ các quan cũng tỏ ý không hài lòng với quyết định của chúa; một viên quan tên là Vũ Công Đạo giữ chức Ngự sử bước ra tâu rằng: “Mệnh lệnh này nếu ban hành, Tam đô chúng thần không dám cầm bút thảo tờ chỉ ấy!”. Trịnh Tạc vẫn bắt phải viết, Vũ Công Đạo biết Chúa không nghe liền đập đầu vào cột ngất đi. Thấy thế Vũ Duy Đoán nói toáng lên: “Nếu chúa giết kẻ gian thần, thần xin trả lại ấn tín sắc mệnh thôi!”. Chúa Trịnh nghe vậy nổi giận bãi chức cả hai người, Vũ Duy Đoán bị đuổi về quê làm dân. Sau đó chúa còn cho người đến thu lại tất cả những thứ đã ban cho ông, Vũ Duy Đoán đem trả hết, riêng đạo sắc về khoa tự và tấm biển gỗ đề hai chữ “Tiến sĩ” thì ông không chịu nộp. Viên quan phụng sai cứ đòi mãi, ông bèn nói: “Các đạo sắc kia chúa ban cho tôi, tôi xin hoàn cả. Còn đạo khoa tự và tấm biển này là do tài học của tôi mà có nên không phải nộp”. Viên quan phụng sai đuối lý đành phải về.

Từ khi thôi làm quan, Vũ Duy Đoán vui thú với cảnh đồng quê, rong chơi đó đây và dành thời gian sáng tác thơ văn, viết sách. Ông có làm bài phú Phạm Lãi đi chơi Ngũ Hồ, viết sách chữ Nôm với các cuốn Nông gia khảo tích, Phong cảnh Mộ Trạch, Dị văn ký… được người đời khen ngợi. Trạng Gióng Đặng Công Chất cũng khen văn ông thanh cao, kiến thức rộng rãi, ví “học thức trong bụng ông như nuốt cả gác sách Thiên Lộc, hút gác sách Thạch Cư”.

Cho đến cuối đời, Vũ Duy Đoán vẫn giữ tính cương trực khẳng khái mà không hề thay đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tính cương trực của trạng nguyên làng Mộ Trạch