Việt Nam lên tiếng về vụ tẩy chay H&M liên quan "đường lưỡi bò" ở Biển Đông

08/04/2021 22:19

"Mọi hình thức tuyên truyền, quảng bá những nội dung trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế đều không có giá trị, không thể thay đổi thực tế về chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông".

Việt Nam lên tiếng về vụ tẩy chay H&M liên quan ‘đường lưỡi bò’ ở Biển Đông - Ảnh 1.

Một cửa hàng thời trang H&M - Ảnh: REUTERS

Thời gian qua, cộng đồng mạng tại Việt Nam lại sôi sục với những lời kêu gọi không mua sản phẩm của thương hiệu thời trang H&M.

Chuyện xuất phát từ việc mạng xã hội lan truyền thông tin H&M chấp nhận hình ảnh "đường lưỡi bò" hay “đường chín đoạn” - một tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, xâm phạm chủ quyền Việt Nam.

Chưa dừng lại ở đó, cộng đồng mạng lan truyền tiếp những thông tin cho rằng không chỉ H&M, nhiều nhãn hàng thời trang khác cũng đăng tải bản đồ có "đường lưỡi bò".

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 8.4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nhận nhiều câu hỏi liên quan tới câu chuyện trên.

Về vụ H&M, người phát ngôn khẳng định Việt Nam "rất quan tâm tới thông tin" này, và yêu cầu các doanh nghiệp tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông.

"Các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam cần phải tôn trọng và thực thi nghiêm túc quy định của luật pháp Việt Nam", bà Thu Hằng nói.

Đối với các thông tin chung về những gì các công ty, thương hiệu quốc tế thể hiện liên quan tới Biển Đông, người phát ngôn tái nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông được xác lập phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Theo đó, mọi hình thức tuyên truyền, quảng bá những nội dung trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế đều không có giá trị, không thể thay đổi được thực tế về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, cũng như thực tế về vấn đề Biển Đông.

"Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông", bà Thu Hằng nói.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Việt Nam lên tiếng về vụ tẩy chay H&M liên quan "đường lưỡi bò" ở Biển Đông