Tích hợp thông tin căn cước cần quy định rõ quyền truy xuất, khai thác

10/06/2023 17:21

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị phải làm rõ giải pháp công nghệ để khai thác hiệu quả thông tin, không làm lộ lọt bí mật thông tin, không vi phạm quyền công dân, quyền con người.

Tich hop thong tin can cuoc can quy dinh ro quyen truy xuat, khai thac hinh anh 1

Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Trị và thành phố Cần Thơ thảo luận tại tổ

Sáng 10.6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Căn cước và dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Tích hợp thông tin cần quy định rõ quyền truy xuất, khai thác

Thảo luận về Luật Căn cước, các đại biểu tán thành, việc xây dựng dự án Luật Căn cước là cần thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở Việt Nam.

Cho ý kiến tại tổ thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, cơ sở chính trị để xây dựng luật là các Nghị quyết Trung ương về chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ số, cải cách hành chính... Về cơ sở pháp lý, Hiến pháp cũng quy định rất rõ về quyền con người, quyền công dân.

Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng là tài sản quốc gia được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật, liên quan đến an ninh quốc gia. Cơ sở dữ liệu quốc gia được xây dựng để đáp ứng cấp độ 4 về bảo đảm an toàn thông tin.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn là cơ sở gốc để làm căn cước công dân. Qua tổng kết, đánh giá, Chính phủ và các cơ quan cho rằng, việc cấp căn cước công dân là bước tiến mới trong chuyển đổi số quốc gia.

"Nếu không nhanh chóng phát triển hệ thống dữ liệu quốc gia thì sẽ không đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước," Phó Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến.

Đối với việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị phải làm rõ giải pháp công nghệ để khai thác hiệu quả thông tin, không làm lộ lọt bí mật thông tin, không vi phạm quyền công dân, quyền con người; cần quy định cụ thể việc cấp quyền khai thác, quyền truy xuất.

"Ví dụ tích hợp giấy phép lái xe thì cơ quan nào cần truy xuất giấy phép lái xe thì chỉ truy xuất giấy phép lái xe; cơ quan nào cần truy xuất thẻ bảo hiểm thì chỉ được phép khai thác dữ liệu về bảo hiểm. Vấn đề này cần được quy định trong luật hay văn bản dưới luật cho các cơ quan có thẩm quyền. Cũng có ý kiến đặt vấn đề tại sao không truy xuất trong cơ sở dữ liệu quốc gia mà phải truy xuất trong thẻ căn cước? Đây là vấn đề cần nghiên cứu thêm," Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Cân nhắc về cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi

Một trong những nội dung lớn của dự thảo Luật được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là việc bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi.

Đồng tình bổ sung quy định này, đại biểu Vũ Huy Khánh (Bình Dương) cho biết, hiện nay nhu cầu đi máy bay, sinh hoạt trong nước, trại hè, du lịch... của người dưới 14 tuổi đều cần thiết có khai sinh. Do đó, đặt ra nhu cầu cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi sẽ góp phần giảm việc cá nhân phải mang theo nhiều giấy tờ khi ra ngoài.

Tich hop thong tin can cuoc can quy dinh ro quyen truy xuat, khai thac hinh anh 2

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Vũ Huy Khánh phát biểu

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định đối tượng cấp thẻ căn cước là người dưới 14 tuổi. Theo đại biểu Tráng A Dương, những người dưới 14 tuổi sẽ có sự thay đổi rất nhanh về vóc dáng và ngoại hình, trong khi thẻ căn cước lại có thời hạn.

Dẫn chứng thêm kinh nghiệm quốc tế, đại biểu cho biết, một số nước nếu muốn cấp thẻ căn cước phải có giám hộ hoặc xác nhận của phụ huynh thì mới được. Vì vậy, đại biểu đề nghị, tiếp tục nghiên cứu và đánh giá rõ tác động của quy định này.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) cũng cho rằng, hiện nay chưa nhất thiết phải quy định cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi. Nếu vẫn quy định thì cần xác định rõ thời gian cấp lần đầu cho người dưới 14 tuổi và yêu cầu phải cấp lại khi đủ 18 tuổi hoặc tối đa là 20 tuổi. Như vậy để bảo đảm quyền công dân và phù hợp với sự phát triển sinh học của con người.

Điều chỉnh các mô hình, dịch vụ mới trong viễn thông

Về dự án Luật Viễn thông, các đại biểu cho rằng luật đã sửa đổi một số bất cập lớn, như quy định hình thức cấp phép và các điều kiện cấp phép theo hướng đơn giản hóa thủ tục, khuyến khích gia nhập thị trường đối với một số dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng...

Hoàn thiện quy định sử dụng tài khoản SIM thuê bao di động để thanh toán cho dịch vụ viễn thông và dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động hợp pháp. Để giải quyết khó khăn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông, dự thảo Luật bổ sung quy định trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các cấp giải quyết, xử lý các hành vi cản trở việc xây dựng hợp pháp cơ sở hạ tầng viễn thông...

Đối với các vấn đề mới cần quy định để thúc đẩy phát triển viễn thông, dự thảo Luật đã hoàn thiện để điều chỉnh các mô hình, dịch vụ mới. Đó là, xác định hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây là một phần quan trọng của hạ tầng số; điều chỉnh hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông qua vệ tinh theo nguyên tắc quản lý chặt, bảo đảm an ninh, chủ quyền quốc gia, phù hợp với cam kết quốc tế.

Cho ý kiến về dự án luật này, các đại biểu đề nghị khắc phục những vấn đề vướng mắc về thể chế, lỗ hổng chính sách, bất cập trong các quy định của Luật Viễn thông 2009 và các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động viễn thông gây hạn chế quá trình phát triển. 

Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của Luật này với hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Bổ sung quy định đối với các nội dung mới, phù hợp với xu thế phát triển viễn thông, xu thế hội tụ, hình thành hạ tầng số - hạ tầng của nền kinh tế số.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Tích hợp thông tin căn cước cần quy định rõ quyền truy xuất, khai thác