OECD nâng dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu

07/06/2023 20:15

Ngày 7.6, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã nâng nhẹ triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2023, song cảnh báo quá trình phục hồi vẫn còn "lâu dài".


Cảng hàng hóa ở Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh minh họa

Cụ thể, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể đạt 2,7%, tăng so với mức 2,6% đưa ra trong báo cáo tháng 3. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức tăng trưởng 3,3% ghi nhận hồi năm 2022. 

Theo OECD, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - và Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đều có thể tăng 0,1 điểm phần trăm, lần lượt ở mức 1,6% và 5,4%. Khu vực Đồng tiền chung euro cũng được dự báo tăng 0,1 điểm phần trăm lên 0,9%, trong khi tăng trưởng của Anh là 0,3%, thay vì suy giảm.

Tuy nhiên, OECD đã hạ thấp triển vọng tăng trưởng của Đức, với mức tăng trưởng bằng 0, trong khi tăng trưởng GDP của Nhật Bản giảm nhẹ còn 1,3%.

Báo cáo của OECD vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2024 ở 2,9%.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế của OECD, nhà kinh tế trưởng của OECD Clare Lombardelli đánh giá nền kinh tế toàn cầu đang bắt đầu cải thiện, song vẫn phải đối mặt với một chặng đường dài phía trước để có được sự tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững. Theo bà, sự phục hồi có thể yếu hơn so với các tiêu chuẩn trước đây. 

Theo OECD, giá năng lượng giảm kèm theo việc tháo gỡ các nút thắt trong chuỗi cung ứng, cùng với việc Trung Quốc mở cửa trở lại sớm hơn dự kiến đều là những yếu tố góp phần hồi phục kinh tế. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản - không tính giá lương thực và năng lượng dễ thay đổi, lại đang cao hơn dự báo trước đây. Điều này có thể buộc các ngân hàng trung ương - vốn đã tiến hành nhiều đợt tăng lãi suất nhằm "ghìm cương" lạm phát, có thể phải duy trì biện pháp này. Trong khi đó, hầu hết các quốc gia đều đang ghi nhận thâm hụt ngân sách và nợ công cao hơn so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19 do nền kinh tế các nước đều đang phải chống chọi với những hạn chế của dịch bệnh cùng những bất ổn khác. 

Trước tình hình trên, bà Lombardelli cho rằng các ngân hàng trung ương cần duy trì chính sách cho vay hạn chế cho đến khi có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy sức ép lạm phát đang giảm.

Cũng theo OECD, ảnh hưởng của việc lãi suất cao hơn trên toàn thế giới đang ngày một hiện rõ, đặc biệt là đối với thị trường tài chính và bất động sản. Dấu hiệu căng thẳng bắt đầu xuất hiện khi các nhà đầu tư đánh giá lại rủi ro và các điều kiện tín dụng đang bị thắt chặt. Tháng 3 vừa qua, vụ việc ngân hàng Silicon Valley (Mỹ) sụp đổ đã làm rung chuyển ngành ngân hàng trên toàn thế giới, ảnh hưởng tới cả bên kia bờ Đại Tây Dương, với sự sụp đổ của ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ). Các cuộc khủng hoảng liên tiếp xảy ra một phần do lãi suất cao đã làm giảm giá trị của danh mục đầu tư trái phiếu.

Nhà kinh tế trưởng của OECD cho rằng nếu tình hình căng thẳng tiếp tục gia tăng, các ngân hàng trung ương nên triển khai nhiều công cụ chính sách tài chính nhằm tăng cường thanh khoản, đồng thời giảm thiểu rủi ro lây lan.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    OECD nâng dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu