Nhà Trắng phản ứng trước động thái hạt nhân của Nga

10/06/2023 16:00

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Washington không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân.

Chú thích ảnh

Tên lửa Iskander-K trong một cuộc tập trận quân sự ở thao trường ở Nga, hồi tháng 2.2022

Theo đài RT (Nga), ông Kirby đã đưa ra tuyên bố trên ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với người đồng cấp Alexander Lukashenko rằng việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus có thể bắt đầu vào đầu tháng 7 tới.

Ông Kirby nhấn mạnh Mỹ phải nghiêm túc giám sát quá trình này. Ông nói: “Chúng tôi đang cố gắng hết sức có thể để giám sát quá trình này. Chúng tôi không thấy bất cứ điều gì phản ánh dấu hiệu di chuyển các năng lực hạt nhân, hoặc nguy cơ xung đột hạt nhân sắp xảy ra bên trong Ukraine hoặc thậm chí trên lục địa. Chúng tôi chưa thấy điều gì có thể khiến chúng tôi phải thay đổi tư thế răn đe của mình”.

Hồi cuối tháng 3, ông Kirby cũng đưa ra những tuyên bố tương tự, khi Nga lần đầu tiên tuyên bố sẽ triển khai một số vũ khí hạt nhân ở Belarus, để đáp trả việc Anh gửi đạn urani nghèo cho Ukraine.

“Mọi thứ đang diễn ra theo đúng kế hoạch”, ông Putin nói với người đồng cấp Lukashenko hôm 9/6. Đồng thời, nhà lãnh đạo Nga cho biết thêm rằng vào cuối tuần đầu tiên của tháng 7, việc chuẩn bị các cơ sở liên quan sẽ hoàn tất và Moskva sẽ ngay lập tức bắt đầu các hoạt động liên quan đến việc triển khai các loại vũ khí liên quan trên lãnh thổ Belarus.

Tháng trước, Moskva và Minsk đã ký hiệp ước về việc lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus. Hôm 25/3, Tổng thống Putin tuyên bố theo yêu cầu của Minsk, Moskva sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Ông Putin nhấn mạnh quyết định này tương tự những gì Mỹ đã thực hiện từ lâu trên lãnh thổ của các đồng minh.

Nga đã cung cấp cho Belarus các hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander có khả năng mang vũ khí hạt nhân và giúp Minsk tái trang bị máy bay quân sự mang vũ khí chuyên dụng. Đồng thời, phi công và lực lượng tên lửa của Belarus đã trải qua khóa đào tạo ở Nga.

Belarus có biên giới phía Tây giáp với ba thành viên NATO - gồm Ba Lan, Litva và Latvia. Minsk đã cho phép Moskva sử dụng lãnh thổ của mình để đưa quân vào Ukraine. Tổng thống Belarus Lukashenko cáo buộc phương Tây “âm mưu xâm chiếm Belarus” và việc Nga bố trí vũ khí hạt nhân sẽ giúp bảo vệ nước này khỏi các mối đe dọa.

Theo Báo Tin tức 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà Trắng phản ứng trước động thái hạt nhân của Nga