Nga nộp đơn lên WHO xin cấp phép trước đối với vaccine Sputnik V

28/10/2020 14:11

Nếu được cấp phép trước, vaccine Sputnik Vsẽ được đưa vào danh sách dược phẩm được các cơ quan quản lý thu mua trên thế giới và các chính phủ sử dụng để hướng dẫn mua với số lượng lớn.


Nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất  vaccine ngừa COVID-19 tại một công ty công nghệ sinh học ở Strelna, Nga ngày 20.5.2020

Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) ngày 27.10 cho biết Liên bang B Nga đã nộp đơn lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để xin cấp phép trước đối với vaccine Sputnik V của nước này. 

Trong thông báo, RDIF - đơn vị tài trợ phát triển vaccine Sputnik V, nêu rõ Nga là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới nộp đơn lên WHO để xin cấp phép đối với vaccine phòng bệnh COVID-19.

Nếu được WHO cấp phép trước, vaccine Sputnik V của Nga sẽ được đưa vào danh sách dược phẩm được các cơ quan quản lý thu mua trên thế giới và các chính phủ sử dụng để hướng dẫn mua với số lượng lớn. 

Hồi tháng 8 vừa qua, Sputnik V của Nga đã trở thành vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới được đăng ký lưu hành sau các nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm sàng. Đầu tháng này, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo nước này đã đăng ký loại vaccine ngừa COVID-19 thứ hai mang tên EpiVacCorona.

Vaccine này được điều chế dựa trên peptit có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch. Nga dự định sản xuất lô  vaccine EpiVacCorona đầu tiên gồm 10.000 liều, bắt đầu vào tháng 11 tới.

Theo Bộ Y tế Nga, khoảng 400 bệnh nhân có nguy cơ cao đã được tiêm vaccine Sputnik V.

Cũng liên quan đến vaccine phòng bệnh COVID-19, giới chức Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo chỉ một bộ phận người dân các quốc gia thành viên có thể được tiêm phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vào trước năm 2022 trong trường hợp có vắcxin.

Tại một cuộc họp kín diễn ra ngày 26.10, một quan chức tại Ủy ban châu Âu (EC) đã nói với các bộ trưởng ngoại giao EU rằng có thể sẽ không đủ vaccine phòng COVID-19 cho tất cả người dân trước cuối năm 2021. 

Lời cảnh báo trên được đưa ra bất chấp thực tế là EU, với dân số khoảng 450 triệu người, đã đảm bảo có hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng của 3 hãng dược phẩm. Bên cạnh đó, EU cũng đang đàm phán để đặt mua thêm 1 tỷ liều vaccine của các hãng khác.

Trong khi đó, các chuyên gia lưu ý rằng không phải mọi loại vaccine tiềm năng đều có thể hiệu quả. Hồi đầu tháng này, EC cũng cho rằng hiện vẫn chưa có loại  vaccine ngừa COVID-19 nào được chứng minh là hiệu quả, nhưng việc tiêm phòng vẫn có thể được triển khai vào đầu năm sau. 

Trong khi đó, ban lãnh đạo Công ty Dược phẩm Pfizer của Mỹ đã bày tỏ lạc quan về khả năng có một vaccine phòng bệnh COVID-19 ngay trong năm nay. Phát biểu ngày 27.10, Giám đốc điều hành của Pfizer, Albert Bourla, cho biết hãng này có thể cung ứng hơn 40 triệu liều vaccine phòng COVID-19 ở Mỹ ngay trong năm nay và đến tháng 3.2021 là 100 triệu liều nếu các cuộc thử nghiệm lâm sàng diễn ra đúng kế hoạch và các nhà quản lý cho phép lưu hành vaccine.

Theo ông Bourla, dự kiến trong tuần thứ ba của tháng 11, Pfizer sẽ nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với  vaccine phòng COVID-19 do hãng phát triển.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nga nộp đơn lên WHO xin cấp phép trước đối với vaccine Sputnik V