Kỳ công sưu tầm băng đĩa cổ

21/07/2019 09:53

Dù đang ở giai đoạn thịnh hành của dòng nhạc thị trường song không ít người vẫn cặm cụi sưu tầm các băng, đĩa nhạc xưa. Với họ, đây không chỉ là một thú chơi mà còn để lưu giữ những hoài niệm cũ.


Anh Trường đang có gần 1.000 chiếc băng cassette, đĩa than và băng cối tại nhà

Đam mê

Anh Nguyễn Công Trường (28 tuổi) ở thị trấn Nam Sách đã có hơn 5 năm sưu tầm các băng, đĩa nhạc xưa. Từ nhỏ, anh Trường đã thích nghe cái âm thanh rè rè từ chiếc đài cassette của gia đình. Năm 2013, khi đã có điều kiện hơn, anh Trường mới bắt đầu tìm hiểu thú chơi này. Càng chơi, anh Trường càng muốn gắn bó, tìm hiểu sâu về nó. Anh còn tham gia những nhóm, hội cùng sở thích để giao lưu, học hỏi. Hiện anh đã sưu tầm được gần 1.000 chiếc băng cassette, băng cối, đĩa than. 80% trong số đó là băng cassette. Một số băng có từ 25-30 năm tuổi. Mẫu băng thông dụng nhất là C60 (thời lượng 30 phút) hay C90 (thời lượng 45 phút). Anh Trường cho biết: "So với băng cối, đĩa than thì băng cassette dễ chơi nhất nhưng chất lượng âm thanh không thua kém là mấy. Đặt một chiếc đầu cassette trong phòng khách, nghe những giai điệu du dương của bản nhạc xưa, tôi thấy tâm hồn thư thái hơn".

Ngoài ra, anh Trường còn sở hữu hơn 100 chiếc đĩa than và băng cối cùng vài chục đầu máy cassette. Năm 2015, anh mở một cửa hàng kinh doanh tại nhà về loa đài, băng đĩa. Khách hàng tìm đến quán của anh chủ yếu là người trung niên. Không chỉ kinh doanh, cửa hàng còn là nơi trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ kiến thức về các băng đĩa nhạc xưa. Nhờ vậy, bộ sưu tập băng, đĩa nhạc xưa của anh Trường cũng tăng cả về số lượng và chất lượng, trong đó có một số chiếc băng hiếm. Không ít người còn nhờ anh Trường mua hộ những mẫu băng ưa thích. “Mở cửa hàng là tự tạo cho mình một không gian nghe nhạc và cũng để góp một phần kinh tế giúp tôi tiếp tục theo đuổi niềm đam mê. Riêng những chiếc băng cassette, tôi không bán mà chỉ giữ lại làm kỷ niệm”, anh Trường nói.

Ông Trần Thế Thái ở phường Trần Phú (TP Hải Dương) đã có nhiều năm kinh nghiệm tìm hiểu về băng cối và đĩa than. Ông Thái chia sẻ: "Là người đã trải qua thời kỳ phát triển thịnh hành của băng cối nên tôi càng hiểu rõ được ý nghĩa, giá trị của nó. Nó giúp tôi thêm hoài niệm về âm thanh Analog mộc mạc, chân chất nhưng rất cuốn hút”. Ngoài tự tìm mua băng đĩa cối trong nước, ông Thái còn nhờ bạn bè đặt hộ ở nước ngoài như một số hãng Otari, Teac, Akai... của Nhật Bản. Hiện nay, ông Thái đã sở hữu hơn 200 chiếc băng cối và đĩa than. “Khó nhất với người mới chơi băng cối là công đoạn sưu tầm, nhất là tìm mua một cuốn băng gốc, bảo đảm chất lượng. Người muốn chơi thường phải đặt hàng từ Nhật Bản hoặc tìm mua lại của người khác với giá khá cao. Việc tìm mua bản gốc cũng không đơn giản, người nghiền băng cối chủ yếu nghe các bản in sang lại. Giá mỗi chiếc băng cối bản gốc dao động từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng. Với băng đã sang lại có giá từ 300.000-500.000 đồng. Nội dung của băng cối khá hạn hẹp, chủ yếu là nhạc bolero thu trước năm 1975 và nhạc cổ điển nước ngoài. Người nghe băng cối quá lâu sẽ khó quen với âm thanh của nhạc số”, ông Thái cho biết thêm.

Còn về đĩa than, hiện có nhiều người chơi hơn nên việc mua bán cũng dễ dàng. Lúc đầu mới chơi, ông Thái cứ gặp đĩa than là mua nhưng sau đó sàng lọc, chỉ chọn cái mình thích và thật sự quý. Phương tiện để nghe đĩa than cũng khá phức tạp và đắt tiền. Một chiếc đĩa than có giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Hiện nay, nhiều người còn chọn các đĩa than, băng cối để trang trí, trưng bày trong nhà hoặc nơi làm việc. Đĩa than và băng cối được nhiều bạn trẻ tìm hiểu, sưu tầm để có thêm trải nghiệm mới.

Không dễ bảo quản

Giống như các thú chơi khác, thú chơi băng đĩa nhạc xưa cũng cần sự tìm tòi và đầu tư không nhỏ. Ngoài niềm đam mê, người chơi phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức mới sở hữu được những bộ sưu tập từ vài trăm đến hàng nghìn chiếc đĩa. Anh Trường cho biết thêm: "Băng cối ngày càng hiếm và ít ai còn giữ lại những đầu đọc băng cối trong nhà dù đã có một thời nó rất được yêu thích. Người chơi băng cối cần khéo léo vì khi sử dụng rất dễ rối băng, bị đứt hoặc nhiễm từ. Nhiều chiếc băng cối có thể giữ được trong 40-50 năm nhưng khó mà dùng để nghe được. Người chơi phải bảo quản cẩn thận, tránh đặt băng cối vào nơi ẩm thấp vì băng có tráng lớp bột từ, dễ bị mốc. Tôi thường bịt kín băng trong túi nilon rồi lấy chăn bông quấn lại và cất trong hòm”.

Sửa chữa các thiết bị nghe băng đĩa, nhạc xưa là không dễ dàng. “Người chơi đĩa than sợ nhất là những chiếc kim đọc đĩa vì nó dễ hỏng. Việc thay thế lại tốn kém, mất nhiều thời gian. Hiện các chiếc đầu chạy băng cối nay cũng không được sản xuất nên chỉ còn trông chờ vào nguồn cũ. Ở Hà Nội và một số thành phố lớn, người chơi băng đĩa nhạc xưa còn khá nhiều. Ở tỉnh ta, số người thích sưu tầm còn ít", ông Thái chia sẻ.

Hiện nay, trên một số trang Facebook, diễn đàn có các tài khoản rao bán băng than. Người mua nên tìm hiểu kỹ các thông số, nguyên lý hoạt động, nơi sản xuất, bảo hành để tránh mua phải hàng kém chất lượng. Người chơi có thể tìm hiểu qua một số hội, nhóm dành cho những người đam mê băng, đĩa nhạc xưa để tham khảo, tư vấn như Hội quán Radio Cassette Việt, Hội Radio Cassette Việt Nam…

NGHĨA AN

Bài liên quan
(0) Bình luận
Kỳ công sưu tầm băng đĩa cổ