Đặc sắc lễ hội tình yêu ở Hưng Yên

17/03/2019 15:33

Đến hẹn lại lên, trung tuần tháng 2 âm lịch, tại huyện Khoái Châu (Hưng Yên) lại diễn ra Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (hay còn gọi là Lễ hội tình yêu).

Rước nước trên sông Hồng trong Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung

Đây là một trong 16 lễ hội lớn nhất cả nước, gắn với truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung, một tình yêu đầy lãng mạn giữa chàng trai nghèo họ Chử và con gái vua Hùng thứ 18. 

Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung được tổ chức hàng tổng 3 năm một lần vào các ngày 10, 11 và 12.2 âm lịch ở đền Đa Hòa, xã Bình Minh với sự tham gia của các làng thuộc tổng Mễ xưa, nay thuộc 2 xã Mễ Sở (huyện Văn Giang) và Bình Minh (huyện Khoái Châu). Nếu ngôi đền Đa Hòa là nơi mở đầu cho thiên tình sử đẹp nhất trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam giữa công chúa Tiên Dung đài các và chàng trai đánh cá nghèo Chử Đồng Tử, thì ngôi đền Hóa ở xã Dạ Trạch (huyện Khoái Châu) theo truyền thuyết là nơi Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân hóa, về trời. Đền Đa Hòa và đền Hóa đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa vào các năm 1962 và 1988.  

Chuyện kể rằng vào một ngày đẹp trời, công chúa Tiên Dung đi du xuân trên sông Hồng, đến khu vực bãi Tự Nhiên thấy cảnh đẹp, nàng muốn dừng chân đắm mình giữa chốn thiên nhiên thơ mộng.  Khi nàng cho người quây màn để tắm giữa sông, không ngờ lại đúng chỗ chàng trai họ Chử nghèo khó không có nổi tấm khố che thân đang phải giấu mình. Sau giây phút bỡ ngỡ ban đầu, nghe chàng Chử kể về số phận nghèo khổ của mình, Tiên Dung đã động lòng. Liền đó, Tiên Dung truyền mang quần áo cho Chử Đồng Tử và cùng chàng làm lễ kết duyên dù không được nhà vua chấp nhận. Chuyện tình duyên giữa hai người ở hai hoàn cảnh đối lập đã mãi trở thành biểu tượng của tình yêu đích thực, là sự vượt lên tất cả, không phân biệt ranh giới giàu nghèo, đẳng cấp. 

Cảm mến tình cảm vợ chồng Chử Đồng Tử - Tiên Dung, Tiên Ông đã truyền phép thần cho Chử Đồng Tử. Hai người cùng nhau đi khắp vùng Khoái Châu dùng chiếc gậy thần để cứu sống những người chết vì nạn dịch, đói khổ… Trên đường cứu nhân độ thế, Tiên Dung tình cờ gặp nàng Tây Sa vốn là công chúa Tây cung giáng trần, bèn kết nghĩa chị em, rồi se duyên cho Chử Đồng Tử, cùng nhau giúp đời.

Theo tài liệu, đền Đa Hòa được tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, người làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, phủ Khoái Châu (nay thuộc huyện Văn Giang) vận động nhân dân công đức, xây dựng trên nền một ngôi đền cổ. Đền Đa Hòa không chỉ là nơi lưu giữ một huyền tích mang đậm giá trị nhân văn mà còn là một công trình kiến trúc đặc sắc. Ngôi đền gồm 18 nóc nhà lớn nhỏ. Con số 18 nhắc nhở người đời sau nhớ đến công chúa Tiên Dung khi đó 18 tuổi và là con vua Hùng thứ 18… Đứng từ trên cao nhìn xuống ta sẽ thấy 18 nóc nhà với kiểu dáng con thuyền mũi cong, được đỡ bởi 2 con vật có mặt rồng, mình sư tử giống như 18 con thuyền đang quần tụ dập dềnh trên sóng nước. Hình ảnh này tái hiện cảnh đoàn thuyền của Tiên Dung công chúa đang du ngoạn trên bến sông thuở nào.

Theo tục lệ, nước dùng làm lễ lau tượng, nước cúng ở đền phải là nước lấy ở giữa dòng sông Hồng. Vì vậy, vào dịp lễ hội đầu năm, người dân nơi đây thường tổ chức lễ rước nước để lấy nước từ sông Hồng mang về đền. Hoạt động này thể hiện lòng mong mỏi của người nông dân về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. 

Vào lễ hội, mở màn là chương trình rước kiệu thánh từ đình làng về đền Đa Hòa do các làng thuộc 2 xã Bình Minh và Mễ Sở thực hiện. Đi đầu đoàn rước là con rồng dài trên 20 m được những thanh niên khỏe mạnh thay nhau múa theo điệu trống thúc liên hồi khiến cuộc rước thật tưng bừng...

Cùng thời gian diễn ra lễ hội ở đền Đa Hòa, tại đền Hóa, nhân dân cũng tổ chức đoàn đi rước nước, múa rồng, tế lễ thánh và những hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian…  

Theo Ban tổ chức Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung, năm nay, lễ hội được tổ chức quy mô hàng tổng. Việc tổ chức lễ hội nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, tiếp tục tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, các điểm du lịch trong tỉnh Hưng Yên đến với du khách. 

ĐỨC TOẢN

(0) Bình luận
Đặc sắc lễ hội tình yêu ở Hưng Yên