Đại biểu Quốc hội: "Việc đi lại, lưu thông hàng hóa thiếu thống nhất gây ách tắc, phiền hà cho người dân"

21/10/2021 20:50

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Cường, Đoàn Hải Dương cho biết, vẫn còn thiếu nhất quán trong triển khai biện pháp phòng chống dịch, nhất là yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội tại cơ sở.

Những thành công trong ngoại giao vaccine

Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 21.10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Nêu ý kiến về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Văn Cường (đoàn ĐBQH Hải Dương) cho biết, báo cáo đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại như công tác phòng chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Vẫn còn thiếu nhất quán trong triển khai biện pháp phòng chống dịch, nhất là yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội tại cơ sở; việc thực hiện các quy định đi lại, lưu thông hàng hoá còn thiếu thống nhất giữa các địa phương, gây ách tắc, phiền hà cho nhân dân.

ĐBQH Bùi Văn Cường, Đoàn ĐBQH Hải Dương.

Ông Bùi Văn Cường cũng nhấn mạnh đến những thành công trong việc ngoại giao vaccine của lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội trong các cuộc điện đàm, trao đổi cấp cao, gặp gỡ song phương, đa phương đều có những kiến nghị liên quan đến hỗ trợ vaccine. Bên cạnh đó, ông Cường cũng nêu ra những sự cố gắng của đội ngũ tuyến đầu, y tế cơ sở trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Về giải pháp cho năm 2022, vị ĐBQH Hải Dương đề xuất cần có thêm phần nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022. Ông Cường lấy ví dụ về vấn đề phòng chống dịch thì cần tập trung giảm tỉ lệ tử vong, tiêu chí xác lập tình trạng bình thường như thế nào để các địa phương cùng áp dụng giúp cho giao thương, đi lại của người dân mới thuận lợi. Các địa phương có thể ban hành các quy định phù hợp nhưng không vi phạm các tiêu chí về bình thường mới.

Về phục hồi và phát triển kinh tế, ông Cường nêu câu hỏi phục hồi ra sao với các gói kích cầu, giải ngân vốn đầu tư công thế nào mới thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh đó, cần xem xét đến việc sản xuất, lưu thông hàng hoá, cải cách hành chính…

Vẫn còn một số địa phương chưa nắm được tình hình

Tại phiên thảo luận, ĐBQH Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH Đồng Nai cho biết, trong phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua nước ta đã có nhiều thành quả tích cực, có sự thông suốt trong chỉ đạo, điều hành.

Tuy nhiên, vị ĐBQH Đồng Nai cho rằng, vẫn còn tình trạng một số địa phương chưa nắm chắc được tình hình dịch bệnh. "Điều này đã được Thủ tướng chỉ ra trong một số lần họp trực tuyến với các địa phương", đại biểu An nói.

Đại biểu đến từ Đồng Nai cho biết, hiện nay trong điều hành chống dịch vẫn còn có tình trạng lo lắng quá nên không dám đưa ra quyết sách.

"Tôi nghĩ rằng cần phải linh hoạt, chuyển từ quá lo sợ sang tự tin chiến thắng. Không chỉ vì quá lo sợ mà làm chậm đi quá trình phục hồi kinh tế. Tâm lý quá lo sợ dẫn đến "cát cứ" cần phải có chẩn chỉnh nghiêm khắc", đại biểu An nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông An cho biết, trong phòng, chống COVID-19 chưa phát huy nguồn lực y tế tư nhân, hay cần tránh tình trạng loạn giá xét nghiệm SARS-CoV-2.

Theo Sức khỏe và Đời sống

(0) Bình luận
Đại biểu Quốc hội: "Việc đi lại, lưu thông hàng hóa thiếu thống nhất gây ách tắc, phiền hà cho người dân"