Bổ sung quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền hợp tác, liên kết đào tạo điện ảnh

26/05/2022 14:42

Đó là ý kiến thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV vào chiều 25.5 của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại phiên thảo luận hội trường chiều 25.5. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi) thay thế Luật hiện hành để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013 nhằm xây dựng nền điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị bổ sung thêm một khoản quy định việc tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền hợp tác “liên kết đào tạo điện ảnh” vào cuối khoản 1 để bảo đảm nội dung điều luật thống nhất với điều 6 của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Liên quan đến điều 9 về những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị bổ sung hành vi nghiêm cấm vào điều 9: “người tham gia hoạt động điện ảnh có phát ngôn hay hành động thiếu chuẩn mực, cách ăn mặc phản cảm, gây ảnh hưởng đến uy tín, thuần phong mỹ tục và truyền thống của người Việt Nam” để bảo đảm đúng với mục tiêu, nguyên tắc của hoạt động điện ảnh là xây dựng nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo đảm tính nhân văn, thẩm mỹ và giải trí. Đồng thời, cần làm rõ hơn quy định tại khoản 7, điều 4: “Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh phải tuân thủ các quy định của pháp luật, chuẩn mực đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp và có trách nhiệm xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh”. Hiện nay, một số diễn viên, nghệ sỹ tham gia hoạt động điện ảnh nhưng có những phát ngôn, hành động thiếu chuẩn mực hay cách ăn mặc phản cảm khi tham gia sự kiện gây ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam mà chưa có chế tài xử phạt.

Về quyền và nghĩa vụ của nhà sản xuất phim, biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên và thành viên khác trong đoàn làm phim được quy định tại điều 11, đại biểu Việt Nga cho biết: "Cần bổ sung thêm quyền “Được liên kết đào tạo điện ảnh khi đáp ứng năng lực, nhu cầu” của nhà sản xuất phim, biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên và thành viên khác trong đoàn làm phim vào cuối khoản 1, điều 11 để bảo đảm nội dung điều luật được chặt chẽ, logic, thống nhất với nội dung điều 6 dự thảo luật".

Về việc phổ biến phim trong rạp chiếu phim, đại biểu Việt Nga đề nghị bổ sung cụm từ “gây rối, mất trật tự công cộng” vào cuối khoản 2 để nội dung điều luật chặt chẽ vì cơ sở điện ảnh phổ biến phim trong hệ thống rạp có quyền từ chối đối với người xem trong trường hợp người đó gây rối, mất trật tự công cộng.

Đại biểu Việt Nga cho rằng quy định trong khoản 2 về việc phổ biến phim tại địa điểm chiếu phim công cộng “Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương nhận được thông báo, nếu không có ý kiến trả lời thì tổ chức phổ biến phim được phổ biến phim tại địa điểm chiếu phim công cộng. Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền tại địa phương không đồng ý, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do” còn thiếu chặt chẽ. Đại biểu này đề nghị soạn thảo theo hướng cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương phải trả lời bằng văn bản đối với hoạt động của tổ chức phổ biến phim (kể cả trường hợp đồng ý hay không đồng ý) để điều luật chặt chẽ, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

PV

(0) Bình luận
Bổ sung quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền hợp tác, liên kết đào tạo điện ảnh