Năm 2016, Hải Dương đã giải quyết việc làm cho 36.658 người, vượt 7,8% kế hoạch.
Kênh xuất khẩu lao động đạt hiệu quả nhất là thông qua các doanh nghiệp
Xuất khẩu lao động tăng mạnhMặc dù năm 2016 có rất nhiều khó khăn trong xuất khẩu lao động (XKLĐ) nhưng tỉnh ta vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan. Toàn tỉnh xuất khẩu được 4.926 lao động, vượt 33,1% kế hoạch. Những thị trường thu hút nhiều lao động tỉnh ta là Đài Loan (3.414 người), Nhật Bản (1.104 người), Hàn Quốc (243 người)...
Trong năm qua, kênh XKLĐ đạt hiệu quả nhất là thông qua các doanh nghiệp. Có 4.675 người đi làm việc ở nước ngoài thông qua các doanh nghiệp, chiếm gần 95%. Nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực du học và XKLĐ trên địa bàn tỉnh đã tích cực liên kết với một số đơn vị trong và ngoài nước về lĩnh vực cung ứng lao động, từ đó xây dựng chiến lược phát triển thị trường XKLĐ phù hợp điều kiện, nhu cầu của người dân.
Năm 2016, toàn tỉnh có 7 huyện, thị xã, thành phố bị tạm dừng XKLĐ sang Hàn Quốc theo chương trình EPS. Đây là một khó khăn bởi nhiều người ở những địa phương này có nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng ở lại cư trú bất hợp pháp. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người lao động ở những địa phương được phép tiến hành làm thủ tục đăng ký thi tuyển. Sở đã giao Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương đăng ký tiếp nhận thi tiếng Hàn, hướng dẫn người lao động làm hồ sơ đăng ký dự tuyển. Qua đó, giúp 243 người đạt tiêu chuẩn sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS. Sở cũng đã giới thiệu 20 công ty chuyên XKLĐ về tuyển lao động tại các địa phương; làm việc với một số tổ chức có hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại huyện Tứ Kỳ; tích cực tuyên truyền về các chương trình tuyển chọn ứng viên nữ đi thực tập kỹ thuật, điều dưỡng viên... ở Nhật Bản.
Nhiều biện pháp thiết thựcTrong năm qua, toàn tỉnh tạo việc làm mới ở trong nước cho 31.732 lao động, trong đó có 19.238 người làm công nghiệp, xây dựng, 2.930 người làm nông, lâm nghiệp và 9.564 người làm dịch vụ.
Kết quả này thể hiện sự cố gắng của các cấp, các ngành. Trong đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp nhận hồ sơ và giải ngân hơn 35 tỷ đồng để đầu tư 1.027 dự án, tạo việc làm mới cho 1.128 lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương tổ chức 64 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 47 phiên định kỳ và 4 phiên giao dịch online kết nối sàn giao dịch với 13 tỉnh phía Bắc. Ngoài ra, trung tâm cũng tổ chức một phiên giao dịch dành cho người khuyết tật và 12 phiên giao dịch lưu động... Các phiên giao dịch do trung tâm tổ chức đã giúp 4.603 lao động tìm được việc làm.
Để nắm bắt cung cầu lao động, Hải Dương đã triển khai ghi chép thông tin tại 490.406 hộ. Kết quả cho thấy có 100.510 hộ có biến động về lao động. Các hộ này đã được nhập thông tin vào phần mềm dữ liệu quốc gia về thông tin thị trường lao động tại 12 huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng hoàn thành ghi chép thông tin nhu cầu lao động tại 3.305 doanh nghiệp. Việc làm này giúp cơ quan chức năng có hướng điều tiết và giới thiệu việc làm hữu ích cho lao động có nhu cầu, giảm tình trạng thất nghiệp.
PV