Sau thông điệp của Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp giảm lãi suất cho vay xuống 17-19% ngay trong tháng 9, nhiều doanh nghiệp đang rất mong chờ.
Tín hiệu giảm lãi suất đang được kỳ vọng thổi sinh khí mới cho nền kinh tế |
Thống đốc Nguyễn Văn Bình trong những cuộc trả lời báo chí gần đây khẳng định rằng hiện đã có đủ các cơ sở để lãi suất có thể giảm được, trong đó có việc thanh khoản của các ngân hàng đang ổn định và mặc dù các ngân hàng đang có vốn nhưng tăng trưởng tín dụng gần như không đáng kể trong tháng 7, tức các ngân hàng sẽ phải giảm lãi suất để có thể cho vay.
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay
Ngày 18/8, khảo sát thị trường tiền tệ cho thấy, lãi suất cho vay VND đang có dấu hiệu giảm nhẹ.
Tại Vietinbank, Vietcombank và các ngân hàng quốc doanh, lãi suất cho vay VND dao động từ 17 - 21%/năm. Các ngân hàng ngoài quốc doanh từ 21 - 24%/năm và các công ty tài chính từ 20 - 22%/năm.
Một vài ngân hàng đã có các chương trình giảm nhẹ lãi suất vay tiền đồng cho khách hàng. Bắt đầu từ tháng 7/2011, Ngân hàng Phát triển nhà TPHCM (HDBank) đã triển khai chương trình “Cho vay ưu đãi doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ” dành cho khách hàng phục vụ ngành sản xuất lắp ráp ô tô, lắp ráp xe máy, thiết bị điện tử tin học, thiết bị gia dụng, cơ khí - chế tạo máy, dệt may, da giày với lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn từ 1% - 4%/năm so với biểu lãi suất cho vay thông thường của ngân hàng.
Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng công bố chương trình tín dụng đặc biệt “Tiếp vốn kinh doanh, ưu đãi lãi suất” dành cho khách hàng là cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Chương trình áp dụng cho các khoản vay được giải ngân từ ngày 1/8 đến hết ngày 31/12/2011 và không giới hạn số lần giải ngân. ACB giảm lãi suất 1,2%/năm cho các khoản vay từng lần hoặc hạn mức tín dụng từ 500 triệu đồng trở lên (đối với khu vực TPHCM và Hà Nội) hoặc từ 300 triệu đồng trở lên đối với các tỉnh, thành phố khác.
Nhưng còn dè dặt…
Lý giải về xu hướng giảm lãi suất dù còn khá dè dặt, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, thanh khoản cũng như vốn của các tổ chức tín dụng tương đối tốt. Lãi suất liên ngân hàng VND kỳ hạn qua đêm tuần qua đã giảm còn khoảng 10%/năm, giảm 2%/năm so với tuần trước đó, trong khi các kỳ hạn 1 - 2 tuần cũng giảm nhẹ, hiện ở mức 11 - 14%/năm.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, hơn 2 tháng nay, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng luôn bình ổn, dao động trong khoảng 12 - 15%/năm, phụ thuộc vào các loại hình giao dịch. "Khi vốn đã có, giữa các ngân hàng vay mượn lẫn nhau với lãi suất tối đa khoảng 15%/năm nghĩa là vốn cho nền kinh tế đã sẵn sàng", Thống đốc nói.
Mặc dù các căn cứ để lãi suất cho vay có thể giảm được đã có sẵn, nhưng trên thực tế lãi suất vẫn chưa thể giảm nhiều được vì lãi suất huy động đầu vào của các ngân hàng vẫn đang cao. Nói như ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, thì các ngân hàng vẫn đang còn nhìn nhau để chờ ngân hàng khác giảm trước rồi mới tới mình.
Ông Đàm Thế Thái, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng HDBank, cho rằng về lý thuyết các ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay được vì ngân hàng hiện nay không thiếu vốn, tuy nhiên vấn đề là làm thế nào cân bằng lãi suất đầu vào và đầu ra. Hiện nay ngân hàng nào cũng sợ mất khách nên vẫn phải duy trì lãi suất mức lãi suất huy động thỏa thuận cao.
Các chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên điều chỉnh cung tiền cho các ngân hàng thông qua nghiệp vụ thị trường mở nhằm ổn định lãi suất đầu vào ở mức 14%/năm thì ngân hàng mới có thể giảm lãi suất đầu ra được.
Động thái mới nhất trong nỗ lực hạ lãi suất sau tuyên bố của Thống đốc NHNN là tuần qua, NHNN đã có cuộc làm việc với 4 ngân hàng thương mại lớn nhất nước để bàn về giải pháp hạ lãi suất đầu ra. Với thị phần tín dụng chiếm tới hơn 60% của 4 ngân hàng này, tín hiệu giảm lãi suất đang được kỳ vọng thổi sinh khí mới cho nền kinh tế.
Vũ Trọng (Chinhphu)