Để đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương tích cực vận động nhân dân đóng góp kinh phí, góp công, hiến đất để làm cơ sở hạ tầng.
Một cá nhân đầu tư hơn 4 tỷ đồng xây dựng Trung tâm Văn hóa (có sân cỏ nhân tạo)
ở xã Ái Quốc, TP Hải Dương. Ảnh: Minh nguyên
Để có nguồn vốn xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Ái Quốc (TP Hải Dương) đã có cách làm sáng tạo khi huy động sự tham gia của một doanh nghiệp. Năm 2011, UBND xã Ái Quốc (TP Hải Dương) cho ông Nguyễn Văn Thành ở xã Thanh Lang (Thanh Hà) thuê 6.000 m2 đất để đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa xã. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 4 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ tháng 6-2011. Hiện nay, công trình đã đưa vào sử dụng. Trung tâm Văn hóa xã Ái Quốc có sân chơi bóng đá, sân trượt pa-tanh, sân chơi cầu lông, bóng bàn, bi-da. Chủ đầu tư sẽ khai thác công trình trong 20 năm, sau đó bàn giao cho địa phương sử dụng. Ông Đinh Duy Do, Trưởng Công an xã Ái Quốc cho biết: "Đây là sân chơi bổ ích cho người dân địa phương và một số xã lân cận. Từ khi có Trung tâm Văn hóa, phong trào thể thao của xã phát triển mạnh hơn, góp phần xây dựng nếp sống mới ở địa phương. Nhờ hình thức đầu tư này, xã đã hoàn thành tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa theo Bộ tiêu chí NTM".
Nhiều xã đã biết khơi dậy, huy động nguồn lực dồi dào của nhân dân để xây dựng NTM. Xã Đức Xương (Gia Lộc) là một điển hình. Đây là 1 trong 5 xã của huyện Gia Lộc phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM giai đoạn 1 (2011-2015). Ông Phạm Quang Kiểu, Chủ tịch UBND xã Đức Xương cho biết: "Nhiều địa phương thường dựa vào nguồn vốn đấu giá chuyển quyền sử dụng đất để xây dựng NTM. Đức Xương không có đủ quỹ đất để làm điều này. Để có nguồn lực xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền xã xác định cần phải tích cực vận động người dân, doanh nghiệp đóng góp, tài trợ". Người dân địa phương đã tích cực hưởng ứng chủ trương này. Những năm gần đây, ông Trần Văn Tản là một người con của quê hương (ông từng là giám đốc một công ty lớn, hiện đã nghỉ hưu) đã ủng hộ cho xã Đức Xương khoảng 1,1 tỷ đồng để xây dựng sân thể thao ở thôn An Cư 1, làm đường giao thông nội đồng... Năm 2011, người dân thôn An Cư 1 đóng góp hơn 400 triệu đồng, tự nguyện hiến khoảng 6.000 m2 đất để làm 2,5 km đường ra đồng. Năm nay, thôn sẽ tiếp tục huy động nhân dân đóng góp để làm tiếp gần 1 km đường nội đồng. Ông Lê Minh Mạnh là một chủ trang trại thuê đất ở xã Đức Xương cũng đã tài trợ 100 triệu đồng để xây dựng đường giao thông thôn An Cư.
Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới, nhiều cơ sở
đã có cách làm hay, huy động được nhiều nguồn lực để xây dựng, kiến thiết quê hương.
Năm nay, xã Cộng Hòa (Kim Thành) tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn theo tiêu chí NTM. Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM xã đã tích cực vận động người dân, doanh nghiệp đóng góp kinh phí, vật liệu xây dựng để làm hơn 1 km đường giao thông nội đồng ở thôn Tường Vu. Nhiều người dân, doanh nghiệp địa phương đã ủng hộ vật liệu xây dựng, kinh phí để làm đường như: ông Bùi Quang Sản và ông Bùi Quang Gắng ủng hộ 45 tấn xi-măng, bà Đoàn Thị Hiên ủng hộ 5 tấn xi-măng, Công ty Điện Hòa Phú 2 tấn xi-măng, Quỹ Tín dụng nhân dân xã 2 tấn xi-măng, Đại đức Thích Quảng An ủng hộ 10 triệu đồng... Con đường bê-tông vừa mới làm xong ở thôn Tường Vu giúp người dân đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi hơn.
Cũng như 3 xã ở trên, nhiều địa phương khác trong tỉnh đã tích cực vận động nhân dân đóng góp kinh phí, góp công, hiến đất để làm cơ sở hạ tầng. Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, năm 2011, nhân dân toàn tỉnh đã hiến gần 22 ha đất, đóng góp 100 tỷ đồng, tự giác tham gia gần 54 nghìn ngày công để xây dựng NTM.
Tuy vậy, việc tìm nguồn lực xây dựng NTM còn không ít khó khăn. Không ít chính quyền xã còn bị động, trông chờ vào nguồn vốn của Nhà nước, chưa có giải pháp hiệu quả để huy động nguồn lực tại cơ sở. Đầu tư của các doanh nghiệp cho nông thôn còn ít. Vì thế, thời gian tới, các địa phương cần học tập kinh nghiệm của các xã điển hình, tìm thêm nhiều nguồn vốn để xây dựng thành công NTM.
MINH ANH - MINH NGUYÊN