3. Coi trọng bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu
Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của cán bộ lãnh đạo các cấp về bảo vệ môi trường. Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường; xây dựng chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng, cháy rừng và tình trạng khai thác tài nguyên bừa bãi; xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.
Đưa nội dung bảo vệ môi trường vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng và các chương trình, dự án đầu tư. Các công trình đầu tư xây dựng mới bắt buộc phải thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ môi trường. Quản lý, khai thác hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm cân bằng sinh thái. Chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; từng bước phát triển ''năng lượng sạch'', ''sản xuất sạch'', ''tiêu dùng sạch''.
Chủ động nghiên cứu, đánh giá, dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với nước ta; thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu; tích cực tham gia, phối hợp cùng cộng đồng quốc tế hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.
Tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống thiên tai trong mỗi người dân, nhất là nhân dân vùng thường xảy ra thiên tai. Quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, các địa phương phải chú ý đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng nơi neo đậu tàu thuyền tránh bão, hệ thống thoát lũ, phương tiện liên lạc, cứu hộ, cứu nạn ở vùng thường xuyên bị thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Nhà nước tăng đầu tư, đồng thời có các cơ chế, chính sách ưu đãi để đẩy mạnh xã hội hoá, huy động các nguồn lực phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường.
Hỏi: Để tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cần thực hiện những biện pháp gì?
Trả lời: Để tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cần thực hiện những biện pháp sau:
- Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia và kiến thức quốc phòng, an ninh, làm cho mọi người hiểu rõ những thách thức lớn tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.
- Tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh; quốc phòng, an ninh với kinh tế trong từng chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo.
- Xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có số lượng hợp lý, với chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, đồng thời quan tâm xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.
- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang từng bước được trang bị hiện đại. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, nghệ thuật quân sự, an ninh, đánh thắng chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao của các lực lượng thù địch.
- Bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh.
- Hoàn thiện các chiến lược quốc phòng, an ninh và hệ thống cơ chế, chính sách về quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, các quy chế phối hợp quân đội, công an và các tổ chức chính trị - xã hội.
(Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương)