Mang trên mình nhiều vết thương từ chiến trận, có những lần ốm thập tử nhất sinh nhưng tác giả Hồng Cờ vẫn luôn vượt qua với tinh thần lạc quan.
Là thương binh hạng 2/4 sức khỏe yếu nhưng tác giả Hồng Cờ vẫn say mê sáng tác
Mang trên mình nhiều vết thương từ chiến trận, có những lần ốm thập tử nhất sinh nhưng tác giả Hồng Cờ vẫn luôn vượt qua với tinh thần lạc quan. Ông đã tìm thấy một điểm tựa chắc chắn từ những vần thơ đầy tình yêu thương và sức chiến đấu.
Vượt qua khó khănNăm 1966, khi mới 17 tuổi, chàng trai Bùi Hồng Cờ rời quê hương - xã Quang Trung (Tứ Kỳ), hăng hái lên đường nhập ngũ. Trong gần 10 năm chiến trận, ông chiến đấu trên địa bàn Quân khu 5, chủ yếu từ Quảng Nam tới Phú Yên. Ông bắt đầu làm thơ từ khi đó, ban đầu là sáng tác các bài ca dao đăng trên báo tường của đơn vị, rồi tham gia viết bài cho báo của Quân khu. Trong những năm tháng ác liệt nhất trên chiến trường, ông luôn có những câu thơ làm bạn để gửi gắm tinh thần quyết tâm chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. “Từ khi thành người lính, thơ đã là bạn đồng hành thân thiết của tôi”, tác giả Hồng Cờ chia sẻ. Trong ấn tượng của những đồng đội cũ, hình ảnh của ông luôn gắn với những bài thơ. Mỗi dịp Tết Nguyên tiêu, ông thường được mời về Phú Yên, mảnh đất ông từng gắn bó thời quân ngũ để tham dự Ngày thơ Việt Nam, đọc thơ trên núi Nhạn và ôn lại những kỷ niệm xưa.
Bằng những vần thơ, ông lưu lại những câu chuyện, hình ảnh, cảm xúc về một thời chiến trận gian khổ mà oai hùng. Những bài thơ là nơi ông bày tỏ nỗi niềm về những đồng đội năm xưa một cách chân tình, tha thiết nhất, đặc biệt là với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của quê hương, đất nước. Như người lính đã hy sinh trong một lần vượt thác sông Re (Quảng Ngãi): “Bàn tay em níu tay anh/Cùng nhau vượt thác em thành sóng xô/Phao trôi gần tiếng đồng hồ/Rét như cứa thịt, bây giờ còn thương!...” (Còn thương). Hay hình ảnh cô gái mở đường đứng làm cọc tiêu sống cho từng đoàn xe qua hiện lên trong thơ ông với niềm xúc động mạnh mẽ: “Đường ngầm em đứng làm tiêu/Tay trần mắt sáng, bao điều ước mơ/Em đi chiến dịch Bác Hồ/Trên xe thần tốc, phất cờ tiến quân!” (Nhớ em).
"Thích nhất là nghe các chương trình ngâm thơ, những bài ca đi cùng năm tháng. Tôi đọc thơ theo đài, hát theo đài. Điều đó đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần rất lớn cho tôi."
|
|
Là thương binh hạng 2/4 mất tới 61% sức khỏe, năm 1990, tác giả Hồng Cờ nghỉ hưu sau thời gian công tác tại Cục Hậu cần Quân khu 5. Những tưởng đã vượt qua cái mốc khó khăn nhất trong cuộc sống, nhưng một thời gian sau do ảnh hưởng từ vết thương chiến tranh, ông ốm liệt giường suốt 17 tháng ròng. Gia đình tìm cách chạy chữa khắp nơi nhưng sức khỏe của ông vô cùng nguy kịch. Trong hơn một năm trời khốn khó đó, những vần thơ lại làm bạn với ông, cùng ông vượt qua cơn bạo bệnh. Nhớ về thời gian đó, ông vẫn còn rưng rưng xúc động: “Khi bị ốm chỉ có thể nằm im một chỗ, không di chuyển, đi lại được, tôi mở đài nghe tất cả những khi có sóng phát. Thích nhất là nghe các chương trình ngâm thơ, những bài ca đi cùng năm tháng. Tôi đọc thơ theo đài, hát theo đài. Điều đó đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần rất lớn cho tôi”. Nằm trên giường bệnh, tuy không viết được nhưng ông vẫn làm thơ. Nhiều câu thơ chỉ làm ra mà không lưu lại được nhưng đã góp phần đưa ông trở lại cuộc sống một cách thần kỳ.
Chiến đấu bằng thơNhắc đến tác giả Hồng Cờ, các bạn thơ và những người quen biết ông đều nhớ đến hình ảnh một người thương binh từng trải qua nhiều khó khăn nhưng luôn toát lên vẻ lạc quan, đôn hậu. Những phẩm chất ấy đã thấm vào thơ ông, đặc biệt là trong thể loại ông sáng tác nhiều và tâm đắc nhất là thơ phê bình hay còn gọi là thơ châm.
“Khi mới về nghỉ hưu, tôi rất thích đọc mục “Ngược chiều” trên báo Hải Dương. Dần dần tôi cũng làm những bài thơ châm ngắn gửi đăng báo. Nhờ có báo Hải Dương mà tôi gắn bó với thể loại thơ này”, tác giả Hồng Cờ nói về cơ duyên khiến ông đến với thơ châm. Trong hơn 20 năm qua, ông đã làm hàng trăm bài thơ châm biếm, đả kích, phê bình những thói hư tật xấu, những hạn chế trong công cuộc xây dựng đời sống mới. Những bài thơ của ông ngắn gọn, nhẹ nhàng và luôn ẩn chứa một nụ cười vừa hóm hỉnh vừa có tính răn đe. Các đề tài xuất hiện trong loại thơ này của ông thường có tính thời sự và gần gũi với đời sống hằng ngày của người dân như việc cưới, việc tang, tham gia giao thông, xây dựng nếp sống văn hóa… Với phương châm “châm nhẹ nhàng, mang tính giáo dục, xây dựng”, thơ phê bình, đả kích của ông được nhiều báo, tạp chí trong cả nước sử dụng. Mỗi năm ông có hàng trăm bài thơ được đăng báo, trong đó phần lớn là thơ châm.
Đó là một cách chiến đấu của người cựu chiến binh trong thời bình. Qua thơ, ông muốn tuyên chiến với những góc cạnh còn xấu xí trong cuộc sống với ước mong góp phần xây dựng xã hội ngày một văn minh, lành mạnh. Thơ châm đôi khi khiến ông gặp rắc rối vì tuy tất cả đều nói chung chung nhưng không ít người vì ông mà “giật mình”. Ông từng bị phàn nàn vì “bêu xấu” người nọ người kia, chỗ nọ chỗ kia. Nhưng những điều đó không khiến ông nản chí để giảm đi sức chiến đấu của những vần thơ. Năm xưa, thơ đã cùng ông vượt qua khó khăn, nay ông muốn cùng thơ dựng xây cuộc sống. Đó là tinh thần, phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ không thể nào nhạt phai trong nhà thơ cựu chiến binh.
VIỆT HÒA