Theo TikTok, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc thông qua hệ thống pháp lý để phản đối lệnh cấm của Mỹ.
Ngày 24.8 theo giờ địa phương, Tiktok sẽ khởi kiện Chính phủ Mỹ vì đã áp đặt các lệnh cấm đối với công ty này và công ty mẹ ByteDance. Trước đó, ngày 6.8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành các sắc lệnh cấm mọi giao dịch với 2 công ty của Trung Quốc gồm ByteDance, chủ sở hữu TikTok, và Công ty Tencent, chủ sở hữu ứng dụng nhắn tin WeChat. Các sắc lệnh sẽ có hiệu lực trong 45 ngày.
Theo Luật sư của TikTok, công ty này sẽ xem xét khởi kiện ở mức độ vi hiến khi Tổng thống Donald Trump áp dụng Đạo luật quyền lực kinh tế khẩn cấp đối với TikTok, đồng thời cho rằng điều này đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi của các nhân viên của công ty.
Vì sao Tiktok khởi kiện Chính phủ Mỹ?
Như trong tuyên bố của mình, TikTok đã nêu lý do khởi kiện Chính phủ Mỹ là "nhằm đảm bảo pháp quyền không bị loại bỏ" cũng như đảm bảo công ty này và người dùng của họ được đối xử công bằng. Theo TikTok, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phản đối lệnh cấm thông qua hệ thống pháp lý.
Có thể nói, ứng dụng này hiện đang bị đặt vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, hoặc bị mua lại hoặc bị cấm, trong khi cả hai sự lựa chọn đều không đem đến nhiều hy vọng về khả năng mở rộng thị trường của họ trong tương lai. Trong khi đó, theo một số chuyên gia pháp lý, việc khởi kiện có thể giúp TikTok có thêm thời gian tiến hành các cuộc đàm phán chuyển nhượng. Do vậy, đây có thể là lý do TikTok quyết định thúc đẩy việc “vô hiệu hóa” quyết định của chính quyền Tổng thống Trump tại tòa.
Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích hành động chèn ép doanh nghiệp nước này của Mỹ là "lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia và quyền lực quốc gia", vi phạm nguyên tắc thị trường và quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đồng thời khẳng định, ủng hộ doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng "vũ khí pháp lý" để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Có thể nói, đây là sự ủng hộ và bật đèn xanh của chính phủ Trung Quốc đối với doanh nghiệp nước này trong trường hợp không còn biện pháp nào khác để bảo vệ quyền lợi của mình.
Nhiều chuyên gia nhận định, trong bối cảnh hiện nay, khả năng thắng kiện của TikTok là không lớn. Tuy nhiên, việc một doanh nghiệp Trung Quốc dám chống lại sự cấm đoán, thậm chí là chèn ép của Chính phủ Mỹ, vừa có tác dụng tuyên bố với thế giới rằng doanh nghiệp Trung Quốc không dễ gì chấp nhận bị đối xử thiếu công bằng, vừa là một cách để lấy lại niềm tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân trong nước của Trung Quốc.
Dù có thua kiện, doanh nghiệp Trung Quốc cũng buộc đối phương phải đưa ra một câu trả lời rõ ràng cho hành vi của mình, giúp các doanh nghiệp khác hiểu hơn các quy định pháp luật của Mỹ trong các trường hợp tương tự.
Có thể nói, vụ kiện này của TikTok mang ý nghĩa về mặt tinh thần và tuyên truyền nhiều hơn.
Tác động tới quan hệ Mỹ - Trung
Trước tiên phải khẳng định, quan hệ Trung-Mỹ từ nay đến bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 sẽ không yên ả, chỉ là hai bên sẽ kiểm soát bất đồng đến đâu để quan hệ song phương không đi quá xa.
Sự kiện của TikTok tại Mỹ đã một lần nữa nêu bật việc Washington đang không ngừng mở rộng cuộc chiến với Trung Quốc.
Có chuyên gia cho rằng, việc Washington lấy lý do an ninh quốc gia để hạn chế Huawei có thể được biện minh, song việc cấm TikTok là khiên cưỡng. Những gì Mỹ làm là nhằm cấm hoàn toàn các công ty Trung Quốc và hướng tới chủ nghĩa dân tộc công nghệ. Động thái của Washington cũng cho thấy khái niệm tách rời về Internet giữa các quốc gia đang nhanh chóng trở thành hiện thực.
Do vậy, có thể nói, vụ kiện của TikTok, cũng như vụ kiện trước đó của Huawei chắc chắn sẽ làm quan hệ kinh tế thương mại giữa hai bên thêm phần căng thẳng và gia tăng khả năng cắt đứt về kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo VOV