Để khắc phục khó khăn trong tiêu thụ, các làng nghề cần nỗ lực nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, sản xuất theo yêu cầu thị trường.
Doanh nghiệp tư nhân Xuân Thép phải thường xuyên thay đổi mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường
Dọc đường từ UBND xã Thanh Giang (Thanh Miện) đến làng nghề Đan Giáp, tôi hy vọng sẽ bắt gặp người dân đan lát những chiếc thúng, dần, sàng, nong, nia... sau đó chở đi khắp mọi nơi để bán như lời những người già ở làng đã từng kể về không khí của làng nghề này 5 năm trước. Nhưng trái lại, cả một quãng đường dài vào làng, chúng tôi chỉ thấy những mảnh sân, căn nhà im ắng. Nghề đan ở Đan Giáp một thời nay đâu? Hỏi một cụ già hơn 70 tuổi, không giấu nổi nét buồn rầu cụ kể: "Trước đây ở làng Đan Giáp, từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng biết đan, nhưng nay nhiều người đã bỏ nghề này rồi! Thời làm nông nghiệp hiện đại ai còn dùng thúng, mủng, dần, sàng... Sản phẩm làm ra không bán được, người dân muốn níu giữ nghề cũng khó".
Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, thiếu thị trường tiêu thụ ổn định đang là bài toán khó giải không chỉ riêng làng nghề Đan Giáp mà còn của nhiều làng nghề khác trong tỉnh. Ông Nguyễn Đức Bùi, trưởng thôn Đan Giáp cho biết: “Nghề đan đã từng đem lại nguồn thu nhập cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên, gần đây việc tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm làng nghề ngày càng khó khăn do nhu cầu sử dụng các sản phẩm đan lát ngày càng ít đi. Chính quyền địa phương đã thử tìm cách liên hệ với thị trường các tỉnh phía nam nhưng chi phí vận chuyển quá cao, cộng với khả năng tiêu thụ sản phẩm chỉ mang tính thời vụ nên người dân làng nghề không mặn mà. Thị trường chính để tiêu thụ sản phẩm của làng nghề hiện nay chủ yếu là thị trường Quảng Ninh, nơi có nhu cầu sử dụng thúng để đựng than. Tuy nhiên, sức tiêu thụ của thị trường này không nhiều. Sản phẩm bán ra chỉ 40-50 nghìn đồng/chiếc. Trừ chi phí nguyên liệu, mỗi người chỉ được 10-20 nghìn đồng/ngày công.
Nghề làm lược ở thôn Vạc, xã Thái Học (Bình Giang) cũng cùng cảnh ngộ. Chiếc lược bí làng Vạc có từ thế kỷ 18, một thời là vật hữu dụng, không thể thiếu trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, ngày nay hiếm người có nhu cầu dùng lược bí, họa chăng cũng chỉ những người già ở nông thôn. Hiện nay sản phẩm lược của làng chủ yếu để xuất đi các nước Lào, Campuchia, Thái Lan làm vật linh để cúng tế, số lượng xuất khẩu cũng không nhiều. Nhiều người làm nghề này trong thôn đang lo lắng không biết nếu thị trường trên không có nhu cầu thì nghề làm lược bí của làng liệu có rơi vào quên lãng?
Hoạt động sản xuất ở làng nghề Đan Giáp ngày càng thu hẹp do khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm
Trên địa bàn tỉnh hiện có 56 làng nghề, doanh thu từ các làng nghề đạt khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho khoảng 30 nghìn lao động nông thôn. Hiện nay việc tìm thị trường cho các sản phẩm của các làng nghề hầu hết đều gặp khó khăn, không chỉ riêng đối với các sản phẩm mây, tre đan, thêu ren... mà ngay cả đối với các sản phẩm thị trường đang có nhu cầu cao như đồ gỗ nội thất, bánh đa... Nguyên nhân do hiện nay phần nhiều các làng nghề chỉ chú tâm sản xuất những sản phẩm mình có mà chưa quan tâm tới những sản phẩm thị trường đang cần. Mẫu mã sản phẩm còn đơn điệu, nhiều sản phẩm chất lượng chưa cao. Với thị trường trong nước, các sản phẩm của làng nghề được bày bán một cách tự phát, nhỏ lẻ, thiếu tập trung. Do đó, người tiêu dùng muốn mua sản phẩm từ nhiều làng nghề khác nhau thường phải tốn nhiều thời gian và chi phí đi lại. Cơ sở hạ tầng của nhiều làng nghề còn thiếu thốn. Các tuyến đường giao thông vào làng nghề nhỏ, hẹp, khó đi lại, ảnh hưởng không nhỏ tới việc vận chuyển hàng hóa và giao lưu thương mại. Thực tế cho thấy, làng nghề nào có các cơ sở, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả thì làng nghề đó phát triển bởi doanh nghiệp có vốn, nhạy bén với thị trường và có khả năng tổ chức sản xuất. Trong khi đó, nhiều làng nghề chỉ biết tập trung sản xuất mà thiếu khâu tiếp thị, kinh doanh. Sản phẩm làm ra phải qua nhiều khâu trung gian, do đó lợi nhuận đem lại cho người sản xuất rất ít. Ông Vũ Xuân Thép, Doanh nghiệp tư nhân ở làng nghề mộc Đông Giao, Lương Điền (Cẩm Giàng) cho biết: "Hiện nay, việc tìm thị trường cho sản phẩm làng nghề mộc Đông Giao không dễ dàng bởi sức ép cạnh tranh với sản phẩm nội ngoại thất, đồ mỹ nghệ công nghiệp và ngay cả với sản phẩm của các làng nghề khác trong và ngoài tỉnh. Gần đây, giá nguyên, nhiên liệu và lương trả cho công nhân tăng đáng kể khiến chúng tôi phải cắt giảm chi phí tối đa, để hạ giá thành sản phẩm. Doanh nghiệp cũng phải thường xuyên thay đổi mẫu mã để kịp thời đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng".
Để tìm thị trường cho sản phẩm làng nghề, ông Mai Văn Hội, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: "Bản thân các làng nghề phải nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi tập quán sản xuất, phải sản xuất những sản phẩm mà thị trường đang có nhu cầu". Sở Công thương sẽ chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại cung cấp những thông tin thị trường, thường xuyên tổ chức các kỳ hội chợ giới thiệu sản phẩm các làng nghề trong tỉnh đến với thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, các làng nghề cần quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình, xây dựng các website để giới thiệu sản phẩm mua bán qua mạng... Sở Công thương sẽ giúp các làng nghề tiếp cận với thị trường ngoài nước bằng cách ưu tiên quảng cáo, triển lãm, giới thiệu sản phẩm tại các kỳ hội chợ được tổ chức ở nước ngoài. Ngoài ra, các làng nghề cần tạo ra hệ thống bán hàng chuyên nghiệp, đưa sản phẩm làng nghề vào các hệ thống phân phối, bán hàng cao cấp như: trung tâm thương mại, siêu thị...
LA