Ở Kim Thành mới chỉ có một xã hoàn thành tiêu chí thủy lợi, khiến tiến độ xây dựng nông thôn mới gặp khó khăn...
Nợ xây dựng cơ bản gần 6,7 tỷ đồng nên kinh phí xây dựng kênh mương của xã Đồng Gia đang rất khó khăn.
Trong ảnh: Kênh cấp 2 N7 của xã chưa được bê-tông hóa
Sau hơn 3 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), hiện nay Kim Thành mới có một xã đạt tiêu chí về thủy lợi mặc dù đây là một trong những tiêu chí góp phần thúc đẩy để hoàn thành nhiều tiêu chí khác. Nguyên nhân của tình trạng trên do kinh phí đầu tư lớn, trong khi nguồn lực tại chỗ còn hạn hẹp nên nhiều địa phương gặp khó khăn.
Bí kinh phíKim Anh là 1 trong 5 xã được huyện Kim Thành chọn làm điểm xây dựng NTM giai đoạn 1, phấn đấu về đích vào năm 2015 và đã đạt 15 trong tổng số 19 tiêu chí. Trong các tiêu chí chưa hoàn thành, xã xác định, thủy lợi là tiêu chí khó đạt nhất vì mới có 0,4 km trong tổng số 3,5 km kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa. Theo tính toán, để kiên cố hóa toàn bộ hệ thống kênh mương còn lại cần khoảng 4 tỷ đồng, trong khi đó, xã lại đang tập trung kinh phí làm đường giao thông nội đồng, xây dựng trường học... Để có nguồn vốn đầu tư, xã đang đề nghị tỉnh cho phép đấu giá đất xen kẹp. Đảng ủy xã cũng đã ra nghị quyết về việc huy động nhân dân đóng góp 30% kinh phí làm đường giao thông và kiên cố hóa kênh mương. Theo ông Trần Văn Hiển, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, dù nhân dân đã đồng tình nhưng khi triển khai chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn vì nhân dân đã đóng góp, ủng hộ xây dựng NTM khá nhiều.
Từ năm 2002-2003, xã Kim Xuyên đã kiên cố hóa được 3,2 km trong tổng số 6,2 km kênh mương do xã quản lý nhưng từ đó đến nay vẫn "dậm chân tại chỗ". Hiện xã còn 5 tiêu chí chưa đạt gồm trường học, giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất-văn hóa, hộ nghèo. Theo ông Trần Văn Sơ, Bí thư Đảng ủy xã, qua tính toán, Kim Xuyên còn cần trên 20 tỷ đồng để đầu tư hoàn thiện các tiêu chí trên. Trong khi đó, ngân sách xã có hạn. Vì vậy, xã chỉ còn biết trông chờ vào sự hỗ trợ của cấp trên và nguồn thu từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của cấp trên thấp, trong khi đó, mấy năm gần đây, việc đấu giá quyền sử dụng đất ở xã rất khó khăn nên hiện xã chưa biết lấy tiền ở đâu để đầu tư xây dựng các công trình.
Toàn huyện Kim Thành hiện mới kiên cố hóa được 19,21 km trong tổng số 175,5 km kênh mương do xã quản lý. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, để làm 1 km kênh mương kiên cố cần từ 0,7 - 1,3 tỷ đồng nên kinh phí để huyện Kim Thành cần đầu tư hoàn thiện hệ thống kênh mương rất lớn. Hiện một số xã có hệ thống kênh mương lớn như Tam Kỳ (27,736 km), Kim Lương (12 km), Phúc Thành (11,157 km), Việt Hưng (9,376 km) nhưng chưa từng được kiên cố hóa thì càng khó khăn hơn. Trong khi đó, tính đến hết năm 2013, một số xã ở Kim Thành vẫn nợ đầu tư xây dựng cơ bản lớn như Tuấn Hưng nợ trên 7 tỷ đồng, Kim Tân 7,9 tỷ đồng, Đồng Gia 6,69 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kim Thành, các xã xây dựng NTM giai đoạn 1 được ngân sách tỉnh hỗ trợ 60% kinh phí xây dựng kênh mương nhưng chủ yếu bằng xi-măng. Các xã này sẽ được hỗ trợ theo đề án kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2013-2020 nhưng đề án này vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế hỗ trợ, phân bổ nguồn vốn...
Kinh nghiệm của Cổ DũngCổ Dũng là xã duy nhất của huyện Kim Thành đạt được tiêu chí về thủy lợi do đã kiên cố hóa được 8,35 km trong tổng số 9,6 km kênh mương do xã quản lý. Đạt được kết quả này do Cổ Dũng đã chủ động, tranh thủ thời cơ để đầu tư xây dựng. Thực hiện đề án kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2000-2005, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", xã đã đầu tư kiên cố hóa được khoảng 50% tổng số kênh mương. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, tháng 9 - 2011, Đảng ủy xã Cổ Dũng có nghị quyết chuyên đề về cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng, đường vào trung tâm hành chính xã, phấn đấu trong năm 2011 sẽ kiên cố hóa 2.666 m kênh mương; cuối năm 2014 sẽ cơ bản hoàn thành các tuyến kênh mương nội đồng chính. Thực hiện nghị quyết này, xã phát động nhân dân, nhất là các hộ ở vùng chuyển đổi tham gia mở đường, mở kênh mương, trả đất, hiến đất, góp ngày công xây dựng. Cổ Dũng cũng linh hoạt trong việc huy động vốn, đa dạng hóa các nguồn, tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên qua các chương trình. Xã rà soát hệ thống kênh mương, xem đoạn nào cần làm trước, đoạn nào làm sau. Với những đoạn kênh ngoài đồng, xã giao cho các đoàn thể huy động cán bộ, hội viên thực hiện để họ lấy tiền gây quỹ; kênh mương thuộc thôn nào thì giao cho thôn ấy xây dựng theo thiết kế. Xã nhận xi-măng hỗ trợ về giao cho các thôn tự lập ban xây dựng, ban giám sát, chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng công trình. Theo ông Nguyễn Danh Phong, Bí thư Đảng ủy xã Cổ Dũng, cách làm này giúp tiết kiệm khoảng 20% tổng chi phí so với việc thuê đơn vị xây dựng. Tuy nhiên theo quy định, để được thanh toán chi phí xây dựng thì phải có một đơn vị có tư cách pháp nhân đứng ra nên nhân dân tự làm thì không được thanh toán. Xã đã nhiều lần kiến nghị về vấn đề này nhưng chưa được giải quyết.
Để có thêm nguồn lực xây dựng, Cổ Dũng vận động mỗi hộ dân đóng góp 240 nghìn đồng/sào (thu trong 4 vụ ) để làm đường giao thông và kiên cố hóa kênh mương. Với cách làm này, nhân dân không bị thu dồn quá nhiều một lúc và xã cũng đều đặn có tiền để làm. Đồng thời, xã vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn ứng tiền mua vật liệu xây dựng hoặc tự đầu tư xây dựng đường giao thông, kiên cố hóa kênh mương và xã sẽ trả dần. Xã đã vận động được 2 doanh nghiệp trên địa bàn cung ứng vật tư để bê-tông 2 km đê sông Rạng cùng 830 m đường và tuyến kênh trên cánh đồng Chu, Khúc Cát.
Trong khi các nơi khác ở huyện Kim Thành khó khăn để hoàn thành tiêu chí thủy lợi thì cách làm của xã Cổ Dũng cần được xem xét, nhân rộng. Huyện cần chỉ đạo các xã đẩy nhanh tiến độ dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng để thiết kế, cải tạo kênh mương, đồng thời vận động nhân dân tích cực đóng góp ngày công, kinh phí để đào đắp kênh mương, bờ vùng, bờ thửa… góp phần giảm bớt kinh phí đầu tư của Nhà nước để tiêu chí thủy lợi sớm được hoàn thành.
HẢI ĐĂNG