"Tôi vẫn kể với con rằngmẹ con là ai và dạy con nên cư xử như thế nào. Tôi cũng thường gọi điện với mẹ cháu và cho cháu nói chuyện", anh L.T.N chia sẻ.
Nói tới ông bố đơn thân, người ta thường hình dung một người đàn ông góa vợ nuôi con một mình, hay một ông chồng vừa ly hôn được xử có quyền nuôi con. Nhưng trong bài viết này, nhân vật chính là một "ông bố đơn thân đích thực". Nghĩa là không kết hôn, nhưng vẫn có con.
Nhờ một người quen sắp xếp, tôi có cuộc trò chuyện với anh L.T.N (34 tuổi), một ông bố đơn thân đúng nghĩa. Anh là nhân viên marketing truyền thông, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP HCM. Trái với suy đoán của tôi, anh vui vẻ nhận lời và kể cho tôi nghe về hành trình làm bố của mình.
Anh chia sẻ: “Tôi ý thức được việc làm một ông bố đơn thân sẽ rất vất vả và phải đối mặt với nhiều điều, trong đó có cả sự ngăn cản từ phía gia đình và thị phi xung quanh. Nhưng xác định bản thân có thể tự lo cho mình và con cuộc sống tốt nhất, nên tôi đã thuyết phục được mọi người.
Để có con có thể có nhiều cách. Nhưng dù là cách gì đi chăng nữa thì cũng là lựa chọn của mỗi người. Tôi nghĩ chúng ta nên tôn trọng điều này".
L.T.Ncho biết, thời điểm anh quyết định làm bố mà không lấy vợ là lúc mẹ anh ốm nặng. "Là một người con, tôi cũng muốn mẹ có cháu bế bồng trước khi bà rời xa tôi".
| ||
Về quan điểm "có con mà không muốn lấy vợ", L.T.Nbày tỏ: "Nhiều khi kết hôn mà vợ chồng cãi vã lại trở nên phiền toái, rắc rối. Vì vậy, với những người xác định không cần vợ nhưng có con cũng hạnh phúc, tôi cho là hay. Làm bố đơn thân thì đã làm sao? Với nhiều người, nuôi con là một niềm vui, và chúng tôi hoàn toàn có thể sở hữu niềm vui ấy, tức là có con mà không cần kết hôn".
Khi được hỏi "một mình nuôi con có gặp nhiều khó khăn hay không, L.T.Nchia sẻ: “Ban đầu tôi cũng gặp nhiều khó khăn nhưng mọi chuyện rồi cũng thành quen. Với tôi, thời gian làm việc đã chiếm phần lớn, nhưng dù thế nào một ngày tôi cũng dành ra ít nhất một tiếng để chơi với con.
Những lúc đó tôi không sờ đến điện thoại, không email hay facebook. Hai bố con thường nằm xem hoạt hình với nhau, không thì chơi trò chơi, nói chuyện...
Khi nào rảnh, bố con tôi lại vào bếp cùng nhau nấu ăn, làm bánh. Cứ cuối tuần tôi đưa bé đi siêu thị hoặc các khu vui chơi cho trẻ em. Bé nhà tôi cũng đã 4 tuổi rưỡi, vì không còn quá nhỏ nên cháu đã ý thức được nhiều việc và khá vâng lời”, anh kể.
L.T.Nchia sẻ, từ ngày có con tôi tập làm mọi thứ, từ việc nấu cho con một bữa ăn đến chăm sóc khi con ốm. Dù có vất vả nhưng trái lại, tôi vô cùng hạnh phúc.
"Cuộc sống không thể nào hoàn hảo. Chỉ cần chúng ta biết mình thật sự cần gì, và vui với niềm vui của chính mình là đủ", anh N. nói.
Nói về nỗi lo lắng khi sau này con lớn lên, bé ý thức được sự thiếu thốn tình cảm của mẹ hay khi ốm câu đầu tiên bé gọi là "mẹ" mà không phải "bố", ông bố đơn thân trải lòng: “Tôi luôn giáo dục con theo cách hướng về cội nguồn. Dạy cho con biết cái gì đúng, cái gì sai, mẹ con là ai và con nên hành xử như thế nào. Tôi vẫn thường gọi điện với mẹ cháu và cho cháu nói chuyện. Vì ở xa nên chúng tôi không thể gặp nhau, nhưng vẫn thường xuyên liên lạc”.
Với anh N., con trai là món quà quý giá trong cuộc đời mình. “Tôi yêu cảnh con trai nũng nịu thức dậy vào mỗi sáng. Tôi thích nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt non nớt và yêu cả tiếng bập bẹ lúc con tập nói... Đó chính là niềm hạnh phúc lớn lao đối với tôi. Vì vậy, tôi luôn cố gắng phấn đấu để lo cho con cuộc sống tốt nhất", a N. nói.
Minh Giang (Vietnamnet)