Trường Mầm non Quốc Tuấn (Nam Sách) đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen do làm tốt việc thực hành tiết kiệm theo gương Bác.
Những đồ chơi do giáo viên tự làm vừa tiết kiệm vừa khiến trẻ thích thú
Khi sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 03 về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Trường Mầm non Quốc Tuấn (Nam Sách) đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen do làm tốt việc thực hành tiết kiệm theo gương Bác. Việc thực hành tiết kiệm đã thực sự trở thành nền nếp tại đây.
Cô giáo nêu gươngSau khi nhận được Bằng khen, mỗi cán bộ, giáo viên nhà trường xác định phải tiếp tục có những việc làm và hành động cụ thể để việc tiết kiệm thực sự được đẩy mạnh thành phong trào. Trong mỗi cuộc họp chi bộ, ngay trong nghị quyết, lãnh đạo nhà trường luôn nêu rõ và chỉ ra cụ thể những việc cần phải làm. Với khẩu hiệu “Tắt khi không sử dụng”, nhà trường hướng cho các cán bộ, giáo viên hình thành và duy trì thói quen tắt các thiết bị điện như: đèn, quạt, máy vi tính… khi không sử dụng hoặc lúc ra khỏi phòng. Các đảng viên luôn gương mẫu đi đầu. Nhà trường khuyến khích giáo viên tham gia làm đồ chơi cho trẻ bằng những nguyên vật liệu có sẵn trong thiên nhiên hoặc vật liệu tái chế. Nhiều bậc cha mẹ khi đưa con đến trường mang theo cả những chai lọ để các cô có thể làm thêm nhiều đồ chơi. Từ những đồ vật vô tri vô giác, tưởng chừng bỏ đi nhưng qua đôi bày tay khéo léo, óc sáng tạo và hơn hết là lòng yêu nghề, yêu trẻ, nhiều cô giáo đã biến chúng thành những đồ chơi sống động, có hồn. Cô giáo Phạm Thị Hằng, người nhiều lần đoạt giải trong các hội thi sáng tạo đồ chơi do nhà trường tổ chức cho biết: “Mỗi khi làm thành công một món đồ chơi mới, thấy sự hào hứng và niềm vui trên khuôn mặt của các bé, tôi lại có thêm động lực để sáng tạo. Tôi thường mày mò suy nghĩ, tìm hiểu, học hỏi từ sách báo và in-tơ-nét để làm ra những đồ chơi mới”.
Vào thăm lớp 4 tuổi, chúng tôi được chứng kiến không gian lớp học rất sống động, bởi nhiều đồ chơi ngộ nghĩnh, đặc biệt là những đồ chơi “cây nhà lá vườn” do các cô giáo tự làm. Những bông hoa rực rỡ được làm từ giấy màu và nhiều chiếc băng đĩa cũ, bộ cốc chén được làm từ chai nước giải khát. Tay vỗ đều nhịp vào chiếc trống cơm được làm từ lọ nhựa, bé Nguyễn Tuấn Đức thích thú: “Chúng con rất thích những đồ chơi do các cô tự làm”.
Trẻ thơ học tậpKhông chỉ cán bộ, giáo viên nhà trường mà các bé cũng được hướng dẫn thực hành tiết kiệm một cách mềm dẻo và linh hoạt. Tại một giờ học của lớp 4 tuổi B do cô Phạm Thị Hằng phụ trách, chủ đề mà các bé được học là “Nước và các hiện tượng tự nhiên”. Khi cô giáo đặt câu hỏi: “Bạn nào cho cô biết có những nguồn nước nào nhỉ?”, những cánh tay đua nhau giơ lên. “Cô mời bạn Hiếu nào”. “Dạ con thưa cô có nước mưa, nước biển, nước sông, nước máy ạ!”. "Cả lớp cho cô biết chúng mình phải sử dụng nước như thế nào?”. Cả lớp đồng thanh: “Thưa cô, chúng ta phải sử dụng tiết kiệm ạ”. Đó chỉ là một trong rất nhiều giờ học với các chủ đề khác nhau mà các giáo viên đã lồng ghép những lời khuyên giúp các bé hình thành thói quen tốt. Cô Lê Thị Đang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Chúng tôi thường xuyên có những cuộc họp để trao đổi kinh nghiệm giảng dạy. Với mỗi chủ đề học tập, chúng tôi cùng nhau thảo luận tìm cách để lồng ghép, dạy trẻ thói quen tiết kiệm một cách hợp lý và áp dụng vào các bài giảng cho trẻ 4-5 tuổi. Ví dụ như chủ đề về gia đình, khi nói về các đồ dùng trong gia đình, chúng tôi dạy trẻ không nên mở cánh tủ lạnh quá to, hay tắt ti vi khi không xem…"
Khi xếp hàng rửa tay trước khi ăn, bé nào cũng trật tự, mở vòi vừa đủ, rửa tay với nước, tắt vòi, làm sạch tay với xà phòng, rồi mới mở vòi nước rửa lại một lần nữa. Cô Đang cho biết, các cô giáo luôn dạy trẻ tiết kiệm ngay từ những việc làm nhỏ, từ việc rửa tay, lấy nước uống hay khuyên các bé ăn hết suất ăn của mình... Những bé nào làm tốt đều được các cô biểu dương, khích lệ và nêu tên trong giờ bình cờ cuối ngày hoặc cuối tuần. Với những bé chưa thực hiện tốt, các cô nhẹ nhàng nhắc nhở để lần sau thực hiện tốt hơn. 4 - 5 tuổi trẻ đã dần dần hình thành nhận thức nên việc dạy dỗ có tác động rất lớn tới việc hình thành những thói quen của trẻ.
Trường Mầm non Quốc Tuấn có 17 phòng học với 212 bóng điện, 110 chiếc quạt, 54 thiết bị điện các loại. Nêu cao khẩu hiệu “Tắt khi không sử dụng”, cùng với tự làm đồ chơi cho trẻ, mỗi năm nhà trường tiết kiệm 15-20 triệu đồng từ ngân sách và nguồn kinh phí do phụ huynh đóng góp. Nhưng theo cô Đang, giá trị lớn hơn mà các cô nhận được chính là hình thành cho trẻ thói quen tiết kiệm hợp lý. Trẻ thơ giống như một tờ giấy trắng, việc chúng ta dạy trẻ những gì và thực hiện như thế nào sẽ góp phần định hướng và tạo nên nhân cách cho trẻ.
HUYỀN TRANG