Tiết kiệm

21/12/2012 18:14

Một trong những phẩm chất đạo đức lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu để lại cho muôn đời sau là đức tính tiết kiệm của Người.


Ngày 21-12-1960, báo Nhân Dân đăng bài “Tiết kiệm” của Bác Hồ với lời kết luận: “Thực hành tiết kiệm tức là trực tiếp góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Đồng bào ta luôn luôn ghi nhớ điều đó!”.

Một trong những phẩm chất đạo đức lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu để lại cho muôn đời sau là đức tính tiết kiệm của Người. Đức tính đó không chỉ thể hiện qua nhiều bài viết, bài nói chuyện mà còn được biểu hiện qua thái độ, hành vi hằng ngày như một nguyên tắc sống của Người. Người không chỉ kêu gọi mọi người tiết kiệm mà bản thân Người luôn ý thức và tự giác tiết kiệm vì mọi người, vì nhân dân, vì một xã hội ấm no, hạnh phúc.

Là Chủ tịch nước nhưng Bác đã tiết kiệm từ việc dùng và sử dụng quần áo, giày dép. Bữa ăn hằng ngày của Người chỉ có tương, cà, dưa muối, cá kho với lá gừng... Trong bữa ăn, món nào nhiều cảm thấy ăn không hết, Bác đều san bớt từ trước để người khác có thể dùng hoặc để lại bữa sau. Bác tiết kiệm vì Người nghĩ: “Dân ta còn nghèo, mỗi người kể cả Chủ tịch nước cũng phải tiết kiệm”.

Bác cho rằng phải tiết kiệm cả của cải, thời gian và sức lực, bởi của cải nếu hết còn có thể làm ra được, còn thời gian đã qua đi, không bao giờ quay trở lại. Muốn tiết kiệm thời gian, bất kỳ việc gì, nghề gì cũng phải chăm chỉ, làm nhanh, không nên lần lữa. Không nên ngồi lê, nói chuyện phiếm, làm mất thời giờ của người khác. Theo Bác, tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm.

Không chỉ tự mình tiết kiệm, Bác còn luôn luôn tiết kiệm thời gian của cán bộ, nhân dân; nhắc nhở cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hành tiết kiệm để xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Ngày nay, tiết kiệm được Đảng và Nhà nước ta coi là quốc sách. Tiết kiệm tiền bạc trong chi tiêu, tiết kiệm vật tư, nguyên liệu trong xây dựng, tiết kiệm thời gian lao động, tiết kiệm chi phí trong sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm trong tiêu dùng cá nhân... đều là việc làm cần thiết.

HƯƠNG SƠN(biên soạn)

(0) Bình luận
Tiết kiệm