Tiếp thêm nguồn sống từ văn chương

18/09/2017 16:04

Nguyễn Thu Hằng là một "cây" truyện ngắn quen thuộc với độc giả của báo Hải Dương.



Hiện tác giả Nguyễn Thu Hằng đã có gần 60 truyện ngắn


Văn cũng như con người chị vậy, vừa có gì đó góc cạnh, gập ghềnh như con đường chị đi, vừa mềm mại, yêu thương, khiến người ta đọc xong phải nghĩ và phải nhớ.

Yêu văn chương như cuộc đời

Không khó để chúng tôi tìm đường về nhà chị Hằng. Khuôn viên bên ngoài căn nhà rộng rãi, đầy cây cối xanh mát. Hàng cây cảnh được cắt tỉa gọn gàng thể hiện sự khéo léo của chủ nhà. Chị xuất hiện với dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và gần gũi như trong tưởng tượng ban đầu của tôi.

Trước khi đến với truyện ngắn, chị Hằng đã thử bút qua nhiều thể loại văn chương như thơ, tản văn... Là một người yêu văn ngay từ nhỏ nên chị đã có ý thức tích lũy vốn từ để sáng tác văn chương. Suốt những năm học cấp 2 chị đều là học sinh giỏi văn. Năm lớp 9, chị đoạt giải nhì môn văn toàn tỉnh. Song con đường học hành của chị khá gập ghềnh. Năm lớp 10, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị phải xin nghỉ học để đi làm. Sự khó khăn trong cuộc sống không dập tắt được tình yêu văn chương, chị vẫn cặm cụi viết truyện ngắn cộng tác với tạp chí Văn nghệ Hải Dương. Năm 1993, khi tham gia trại sáng tác trẻ do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức, nhận ra mình muốn và cần học tiếp, chị quyết định vừa đi làm vừa đi học bổ túc. Những cố gắng của chị đã được đáp đền bằng việc thi đỗ vào khoa văn Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương. Sau khi kết hôn, chị chấp nhận hy sinh sở thích một thời gian dài để chăm sóc gia đình, con cái, song tình yêu văn chương vẫn luôn đau đáu trong tâm trí chị. Cách đây 8 năm, chị bắt đầu viết trở lại, nhưng viết nhiều và thường xuyên mới khoảng 4 năm nay. Các tác phẩm của chị được đánh giá có chiều sâu và chạm đến trái tim người đọc.

Chị kể cho chúng tôi nghe về những đứa con tinh thần đặc biệt của mình với sự nâng niu, trìu mến. Câu chuyện bắt đầu từ những nhân vật có từ đời thực, từ những người thân, người hàng xóm láng giềng rất đỗi sinh động. Chị Hằng chia sẻ: “Là giáo viên nên hằng ngày mình được tiếp xúc với nhiều học sinh. Chính các em đã khơi thêm nguồn cảm xúc cho sự ra đời của các tác phẩm. Tập truyện đầu tiên “Cánh thư bay” hoàn toàn lấy học sinh của mình làm hình mẫu nhân vật. Chúng chính là những hạt giống trong sáng, hồn nhiên giúp tâm hồn mình tươi trẻ, giàu có hơn”. Phải khó khăn lắm mới được sống với văn chương nên chị không cho phép mình đi theo lối mòn của những tác giả trẻ đang vấp phải như viết về tình yêu hiện đại sáo rỗng, giọng văn đều đều. Chị luôn đòi hỏi mình phải mới mẻ, tạo ra điểm nhấn trong mỗi tác phẩm. Đối với chị, để có truyện hay không bắt buộc phải đi nhiều nơi, đến nhiều chỗ mà quan trọng là ở chiều sâu cảm xúc và suy ngẫm đối với vấn đề. Bí quyết giúp chị có nhiều tư liệu để sáng tác là đọc nhiều, xem nhiều. Chị không ngừng đọc truyện ngắn của những cây bút gạo cội trong làng văn, xem những bộ phim hay được chuyển thể từ truyện ngắn nói về thân phận con người để đúc rút kinh nghiệm vận dụng vào tác phẩm của mình. Chị cũng muốn làm mới tác phẩm về hình thức biểu đạt nhưng cốt nhất vẫn là hướng tới việc làm cho người đọc rung động. Chính vì thế, các tác phẩm của chị luôn giàu tính nhân văn, nhiều cảm xúc. Ngoài ra, nét độc đáo trong truyện ngắn của chị Hằng là hay xuất hiện hình ảnh đặc sản vùng miền như mùa rươi, bánh đậu xanh, bánh gai... Những trang văn của chị vì thế thấm đẫm tình yêu với mảnh đất, con người Hải Dương. Chị chia sẻ: “Đối với tôi, viết văn không phải để kiếm sống, nhưng tôi không thể sống mà không viết văn”.

Viết không mỏi mệt

Nếu không viết văn, chị luôn cảm thấy trong lòng day dứt, khó chịu. Cảm xúc ấy thôi thúc chị, đưa đẩy ngòi bút chị.


Mặc dù công việc chính làm giáo viên rất bận rộn nhưng chị Hằng luôn sắp xếp hợp lý để có thời gian dành cho văn chương. Trước khi sáng tác truyện, chị phải hoàn thành xong công việc nhà trường giao phó. Sáng tác đối với chị là công việc không bao giờ mệt mỏi. Các tác phẩm luôn trăn trở trong chị. Chị luôn nghĩ về cách sáng tạo, sắp xếp số phận và cuộc đời các nhân vật. Những lúc căng thẳng, chị thư giãn đầu óc bằng cách cắt tỉa cây cảnh, dọn vườn. Nhiều khi chính những lúc đó, chị lại tìm được câu trả lời cho nhân vật của mình.

Chị muốn các tình tiết trong truyện tự đưa đẩy nhân vật, nhưng phải có một cái kết nhân văn. Chị luôn quan niệm các tác phẩm của mình trước hết phải có tính giáo dục và hình thành nhân cách tốt đẹp trong tâm hồn người đọc, nhất là những người trẻ tuổi. Vì vậy, mỗi khi hoàn thành một tác phẩm, các con của chị thường là những độc giả đầu tiên.

Nếu không viết văn, chị luôn cảm thấy trong lòng day dứt, khó chịu. Cảm xúc ấy thôi thúc chị, đưa đẩy ngòi bút chị. Chị phải viết ra để vơi bớt đi những chồng chất trong lòng. Hầu hết các tính cách, cuộc đời nhân vật trong truyện ngắn luôn có phần nào bóng dáng của chị trong đó. Mỗi năm chị sáng tác hơn chục tác phẩm. Tất cả đều có sự đầu tư về tư liệu, thời gian một cách kỹ lưỡng. Nhiều tác phẩm được "thai nghén" trong nhiều tháng trong sự trăn trở.

Đến nay, chị đã có 2 tập truyện được xuất bản là "Cánh thư bay" (năm 2014) và "Thì thầm cùng giọt sương" (năm 2017). Các tác phẩm của chị còn được nhiều tạp chí văn nghệ, báo địa phương đăng tải. Các tác phẩm đăng báo được chị lưu giữ cẩn thận làm kỷ niệm. Đó chính là những đứa con tinh thần quý báu của chị.

Với giọng kể mềm mại, ngôn ngữ biến đổi linh hoạt, các tác phẩm của chị hấp dẫn độc giả ở nhiều lứa tuổi. Từ viết truyện dành cho thiếu nhi, nay chị chuyển sang dòng truyện dành cho những người lớn tuổi hơn, đi sâu vào phân tích tâm tư, tình cảm nhân vật, những nỗi đau giằng xé trong số phận con người. Biết vợ yêu văn chương nên chồng chị Hằng luôn chia sẻ công việc hằng ngày trong gia đình, giúp chị có không gian yên tĩnh để sáng tác. Vì thế, tuy mới bước chân vào làng văn chưa lâu nhưng chị đã có một số thành tích đáng tự hào. Đối với chị, văn chương chính là nguồn sống khiến cho cuộc đời thi vị và ý nghĩa hơn.

MINH NGUYÊN


Chị Nguyễn Thu Hằng (sinh năm 1976), quê ở thôn Đức Trạch, xã Cẩm Định (Cẩm Giàng), đang là giáo viên dạy văn Trường THCS Cẩm Vũ, là hội viên Ban Văn xuôi (Hội Văn học nghệ thuật Hải Dương). Chị đã giành giải nhất cuộc thi viết "Trường Sa trong lòng Tổ quốc" do Báo Tuổi trẻ tổ chức năm 2011, giải nhì cuộc thi viết "Câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật" do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2011, giải nhì cuộc thi viết "Ký ức học đường" do Hội Văn học nghệ thuật Hải Dương phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương tổ chức năm 2016. Ngoài ra, chị còn đoạt giải C giải thưởng Văn học nghệ thuật Côn Sơn năm 2016; giải khuyến khích cuộc thi viết "Mỗi ngày một chuyện" do Báo Hà Nội mới tổ chức năm 2012.


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp thêm nguồn sống từ văn chương