Nghị quyết 35 của Chính phủ giúp doanh nghiệp củng cố niềm tin trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
Các doanh nghiệp trong tỉnh đang chờ có thêm nhiều hành động hỗ trợ tích cực từ phía các cơ quan
nhà nước để phát triển sản xuất, kinh doanh
Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp rõ ràng đã và đang như một luồng gió mới lan tỏa sâu rộng đến giới doanh nghiệp, doanh nhân. Qua đó, giúp họ củng cố niềm tin trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
Thông điệp mạnh mẽVới 5 nhiệm vụ và giải pháp là: cải cách hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, có thể thấy tinh thần đổi mới mạnh mẽ của Chính phủ trong việc "cởi trói" tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp do Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức giữa tháng 7 vừa qua được coi như một thông điệp mạnh mẽ của tỉnh trong việc tạo môi trường thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Trong buổi đối thoại, nhiều vấn đề vướng mắc của các doanh nghiệp đã được lãnh đạo tỉnh cũng như các sở, ban, ngành tiếp thu và tìm giải pháp khắc phục. Ông Nguyễn Công Hải, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Hải Dương, Giám đốc Công ty TNHH Minh Hải cho rằng thời gian qua Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng của tỉnh đã quan tâm nhiều hơn đến cộng đồng các doanh nghiệp. Đặc biệt, Hải Dương đã sớm tổ chức đối thoại với doanh nghiệp ngay sau khi Nghị quyết 35 của Chính phủ ban hành và có chương trình hành động để cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. "Đây là một trong những tín hiệu vui giúp doanh nghiệp chúng tôi yên tâm sản xuất, kinh doanh và phát triển", ông Hải nói. Tỉnh cũng đang xây dựng Đề án “Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh PCI giai đoạn 2016-2020” để thực hiện ngay trong quý III năm nay. Những hành động này nhằm thực hiện mục tiêu đưa Hải Dương lọt vào nhóm 20 tỉnh, thành phố trong cả nước có chỉ số PCI tốt nhất.
Ông Lê Xuân Hiền, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng Chính phủ đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ, thể hiện rõ sự đổi mới trong tư duy từ Chính phủ hành chính "xin - cho" sang Chính phủ "kiến tạo, phục vụ". Hải Dương cũng đã xây dựng chương trình hành động, các chỉ thị để chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các địa phương thực hiện. Vấn đề hiện nay là thực hiện như thế nào, đặc biệt là các cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ. Bởi Nghị quyết 35 đã "bắt đúng bệnh và kê đơn thuốc", vấn đề là ai uống thuốc. "Theo tôi, tỉnh cần có điểm nhấn như kịp thời khen thưởng những ngành, những cán bộ có những việc làm tốt trong thực hiện nghị quyết, đồng thời cũng có những biện pháp xử lý đối với những đơn vị, cá nhân thực hiện chưa tốt. Chỉ có như vậy mới đưa nghị quyết vào cuộc sống, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp", ông Hiền nhấn mạnh.
Doanh nghiệp tin tưởngÔng Đặng Đức Chúc, chủ cảng Phú Thái, thị trấn Phú Thái (Kim Thành) cho biết: "Đại hội XII của Đảng đã khẳng định kinh tế tư nhân là mũi nhọn, là động lực chính để phát triển kinh tế đất nước. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, cởi trói cho doanh nghiệp. Tôi và gia đình rất vui mừng, phấn khởi tin tưởng khi Nghị quyết 35 của Chính phủ khẳng định tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế dân doanh, tư nhân… yên tâm đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vì quyền đầu tư và tài sản chính đáng được bảo vệ, tạo điều kiện phát triển. Thời gian tới, tôi sẽ tích cực đầu tư để đưa cảng Phú Thái lớn mạnh góp phần vào sự phát triển chung của toàn xã hội". Hiện nay, cảng Phú Thái có năng lực bốc xếp hàng hóa trên 1 triệu tấn/năm. Để nâng cao năng lực bốc xếp hàng hóa, tạo thuận lợi cho xe container vào bốc xếp hàng, doanh nghiệp đang đầu tư gần 1 tỷ đồng để mở rộng và trải nhựa các tuyến đường nội bộ.
Những chỉ thị và nghị quyết UBND tỉnh đã ban hành đã khiến nhiều doanh nghiệp thêm tin tưởng vào sự đổi mới môi trường đầu tư của tỉnh trong thời gian tới. Những khó khăn, vướng mắc, trói buộc các doanh nghiệp phát triển lâu nay sẽ được cởi bỏ. Ông Phan Tiến Đại, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Huy (Gia Lộc) cho biết: "Thời gian gần đây, sau hàng loạt các chỉ đạo của UBND tỉnh đối với việc cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho doanh nghiệp, tôi thấy việc thông quan hàng hóa tại Chi cục Hải quan Hải Dương đã thuận lợi hơn nhiều. Cán bộ, nhân viên của chi cục nhiệt tình hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục kê khai hải quan. Việc xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại Sở Công thương cũng giảm đáng kể thời gian doanh nghiệp phải chờ đợi so với trước. Nếu các cấp, các ngành tiếp tục chung tay hỗ trợ doanh nghiệp thì môi trường đầu tư của Hải Dương sẽ ngày càng hấp dẫn".
Đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để doanh nghiệp lớn mạnh thì rất cần các cơ quan, ban, ngành, các cấp chính quyền có cách tiếp cận thực tế hơn, gần hơn, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các doanh nghiệp, thay đổi lối tư duy cũ. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn kinh doanh chân chính, phát triển theo tinh thần chính quyền kiến tạo và phục vụ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải cố gắng vươn lên, phát huy tinh thần tự hào dân tộc, đạo đức kinh doanh, tôn trọng pháp luật, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tinh thần liêm chính trong kinh doanh, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, bảo đảm an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội theo tinh thần Nghị quyết 35 của Chính phủ.
PV