Tiếp nhận kỹ thuật sản xuất giống cá chép có giá trị kinh tế cao

28/04/2017 16:01

Dự án đã sản xuất 10 triệu cá bột, tương đương khoảng 3 triệu cá hương, khoảng 1,5 triệu cá giống, tái sản xuất quần đàn 3.000 con cá giống bố mẹ hậu bị.

Sáng 28.4, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Dự án "Tiếp nhận kỹ thuật sản xuất giống cá chép V1 có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Hải Dương" và Đề tài "Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm giống lúa thuần BQ ngắn ngày có năng suất, chất lượng trên địa bàn tỉnh Hải Dương".

Dự án "Tiếp nhận kỹ thuật sản xuất giống cá chép V1 có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Hải Dương" do Công ty CP Giống cây trồng Hải Dương chủ trì thực hiện năm 2015-2016. Dự án đã tiếp nhận và làm chủ các quy trình kỹ thuật chọn đàn cá hậu bị và nuôi vỗ cá bố mẹ do Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc chuyển giao.

Kết quả, dự án đã sản xuất 10 triệu cá bột, tương đương khoảng 3 triệu cá hương, khoảng 1,5 triệu cá giống, tái sản xuất quần đàn 3.000 con cá giống bố mẹ hậu bị.

Cá chép V1 có chất lượng di truyền cao, thích ứng với nhiều hình thức nuôi; tốc độ tăng trọng gấp từ 1,5 đến 3 lần so với cá chép trắng Việt Nam trong cùng điều kiện nuôi dưỡng. Cá 1 năm tuổi đạt 1-1,5kg/con, nếu nuôi thưa có khả năng đạt 1,5-2 kg/con.

* Đề tài "Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm giống lúa thuần BQ ngắn ngày có năng suất, chất lượng trên địa bàn tỉnh Hải Dương" do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ) thực hiện năm 2016 với quy mô 40 ha tại xã Hồng Thái (Ninh Giang) và xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện).

Giống lúa BQ cho năng suất từ 64-73 tạ/ha với ưu điểm nổi bật như cứng cây, chống đổ tốt, cơm có mùi thơm, vị đậm, để nguội vẫn dẻo...

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp nhận kỹ thuật sản xuất giống cá chép có giá trị kinh tế cao