Tiếng đàn bầu và người đổ rác

03/07/2010 06:29


Minh họa: Văn Hà

Chị đã gọn gàng đầu tóc và bị quần áo ngồi cổng trại giam từ sớm chờ ông Hiếu lên đón. Cũng chỉ có ông ấy chứ còn ai. Đất khách quê người. Tuy chồng là người Viềng Xá nhưng cưới nhau trên đất lâm trường chè Linh Chi, đến khi lâm trường giải thể về Viềng Xá mua đất lập vườn. Cây vải thiều chuyển đổi thất bại, bán vườn cho chồng đi Hàn Quốc để đổi đời. Bất ngờ thằng chồng đang từ ngòi rãnh ao tù ra sông, ra biển đã xoạch cái thay lòng đổi dạ, ăn nằm với con Vấn cùng chuyến đi sinh con rồi gửi đơn ly hôn về  cho chị nói  câu bạc phếch: “ Thằng Thân này đã vợ con bên này, nay viết đơn ký tên sẵn để tiện việc cô ra tòa, đi lấy chồng. Còn thằng Dần nếu cô nhận nhà đất thì phải nuôi nó”. Mọi tính toán đều sai lầm. Từ ngày theo chồng về làng, chị thui thủi làm ăn, người làng chưa biết chị là ai. Bây giờ lại thế này nữa, cực thân, cúi đầu, cụp nón chị chẳng muốn thân tình với ai, đàn ông thì chị càng muốn xa lánh, chỉ có  ông Hiếu là người chia sẻ ít nhiều. Hôm ra tòa cũng chỉ có mình ông Hiếu, cách đây nửa năm ông Hiếu đi bộ hơn ba chục cây số lên thăm, còn xôi nén, thịt gà, cam quýt… Chị hết đứng lại ngồi, ruột gan như có lửa, mắt chăm chắm nhìn xuống con đường từ huyện lên, không biết có gì trục trặc, ông bảo đi bộ từ bốn giờ thì giờ này cũng đến rồi, nếu đi xe thì đến trước nữa.

Người Viềng Xá biết rất ít về chị Hậu nhưng lại biết khá kỹ về ông Hiếu. Thuả mười tám đôi mươi, cậu thanh niên Hiếu cao nhất làng, bà con vẫn gọi anh ta là cao kều, còn bà mẹ lại gọi yêu con trai mình là "cây sào". Chơi với bè bạn, Hiếu rất hiếu thắng. Chẳng thế mà một lần cậu Hiếu thách đấu với bạn cắn răng vào sợi dây chão thuyền kéo ngược lên cành cao. Hiếu được cuộc nhưng khi thả người xuống mồm Hiếu đầy máu, chiếc răng cửa gẫy cắm vào sợi chão. Từ đấy người ta gọi luôn là Hiếu Sất. Hồi lấy vợ nhiều người khuyên Hiếu trồng bổ sung chiếc răng cho điển trai anh chàng rể làng Viềng. Hiếu nói: Răng sất càng có duyên để vợ nhận ra chồng, không nhầm người khác. Ấy mà  câu nói bông đùa ngày ấy sau lại ứng nghiệm. Hiếu cưới vợ xong thì nhập đội thanh niên xung phong lên biên giới, chiến tranh kết thúc chuyển sang ngành lâm nghiệp Hà Giang. Những địa danh Cổng Trời, Lũng Cú… còn thuộc hơn cả thôn xóm trong xã. Mãi năm năm sau về thấy cô vợ có đứa con một tuổi, nhà cửa, ăn diện hơn người. Ngay từ hôm bước chân về đầu làng, nhiều người đã gọi anh bảo cho biết: “Này con vợ anh hư đốn lắm. Cô ta chẳng khác vợ hai tay phó chủ nhiệm hợp tác xã. Không đi làm mà mỗi vụ năm sáu tạ thóc, rồi gạch gỗ xây nhà, công trình phụ, tơ lụa, nhẫn vàng khuyên tai, ăn trắng mặc trơn, trong khi xã viên công hai lạng thóc đói dài đói rạc, rách rưới khổ sở. Về liệu mà thu xếp, đứa con ấy đếch phải con anh, đừng nuôi con cho tu hú, bỏ quách đi, thiếu cha gì đứa hẳn hoi. Nhưng Hiếu lại nói: “Cũng vì chiến tranh, xa cách, bỏ qua cho một lần, cá ao ai vào ao ta, ta bắt”. Thế rồi xấu hổ vì dư luận, cô ta bỏ đi đâu đã lâu, đứa con trưởng thành công khai nhận ông phó chủ nhiệm là bố đẻ, khai vào lý lịch tếch đi Vũng Tàu không một câu, một chữ với ông. Từ đấy ông cô đơn, lấy tiếng đàn giải khuây. Ông Hiếu được cử vào ban giám sát xây dựng nghĩa trang. Nghĩa trang hoàn thành ông được giao làm quản trang…

…Chiếc xe tắc-xi màu sữa nhẹ nhàng đậu bên chỗ chị đứng. Cửa xe mở, cái đầu húi cua lấm tấm bạc của ông Hiếu khẽ cúi để lựa cho cái thân cao kều lọt ra khỏi xe. Chị Hậu ngạc nhiên, mừng rỡ: “Cứ tưởng ông không lên, nhưng ông chơi sang thế này tiền đâu thuê xe "xịn" đi đón kẻ tù đày”. “Nói lại đi, kẻ phải tù không phải cô, mà cô không phải lo tiền". Anh chủ xe người cùng làng biết được câu chuyện về nỗi đời của chị do ông Hiếu trên xe kể lại. Thì ra chị bị tù oan. Đi bán phế liệu, mấy con nghiện bị săn đuổi liền tráo túi hê-rô-in vào sọt hàng của chị tẩu thoát. Chị bị kết án tù. May mà mấy đứa buôn ma túy ra đầu thú, chúng khai ra, chị vô tội. Nhưng cũng đã ngồi song sắt ba năm, chờ vạ má sưng. Quả các cụ nói không sai. Anh đỡ lời ông Hiếu: “Chị Hậu ơi không phải lo tiền đâu, em biết nỗi oan của chị, lại biết thêm về cái đức, cái tài của ông Hiếu, tiền xe em tài trợ hết. Được không nào, chị Hậu!".

Ông Hiếu trải tấm vải mưa ra đất, miệng nói: “Hãy chén đã, coi như hôm nay tôi mở tiệc chiêu đãi mừng cô Hậu giải được nỗi oan”. Rồi ông bê cả một túi lớn từ xe ra. Nào xôi, rượu, thịt, bánh trái ông kỳ kịch chuẩn bị suốt đêm qua. "Tại sao ta không để về nhà vui một thể?" - Anh lái xe thắc mắc. Ông Hiếu cười hiền hậu. Còn chị Hậu thì hiểu ngay ý ông. Về nhà bày ra phiền lắm. Người không hiểu xì xào quan hệ giữa chị Hậu với ông sai lệch đi, giữa chốn ba quân, phiền toái lắm!

Xe chạy ra khỏi khu vực trại giam quay sang đường nhựa mới trải rộng thênh thang, thẳng tưng, bóng loáng, anh lái xe ngoái cổ lại ghế sau, chỗ ông Hiếu ngồi bên chị Hậu: “Giờ thì đề nghị bác Hiếu tấu đàn lên cho chị em em nghe. Tiếng đàn của bác nuột nà rung động lòng người lắm: Trong như tiếng hạc bay qua/ Đục như tiếng suối mới sa nửa vời/ Tiếng khoan như gió thổi ngoài…”. Ông Hiếu chữa  lại ý của anh bạn lái xe: “Này, Kiều không chơi đàn bầu đâu nhá! Mà đàn tỳ bà thì mới mô tả được âm thanh của mưa chứ: "Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa”. "Đấy, thật là đàn gảy tai trâu là chỗ đó, bác nhẩy. Bác học bao giờ mà đàn giỏi thế? Nay mai rỗi rãi ra học bác mấy chiêu". Ông Hiếu để chiếc đàn một nửa trên đùi chị Hậu, một nửa trên đùi ông. Tiếng đàn rung nhẹ lên đầy ắp xe, chiếc xe như được tiếng đàn thổi vào bay lên trên con đường nhựa bóng loáng. Từ đầu Hậu vẫn ngồi nghe hai bác cháu chuyện trò, bây giờ nghe tiếng đàn ông Hiếu rung lên lại nghe anh lái xe nói: “Làm thân con gái…”, chị bỗng giật mình đăm chiêu nỗi đa đoan. Vậy là đúng tiếng đàn bầu bấy nay của ông Hiếu đã xao xuyến lòng chị, từ chỗ chị chẳng biết ông là ai, chẳng muốn quan hệ với người đàn ông nào sau cái vụ thằng chồng khốn nạn phản bội đến lúc chị nghiện tiếng đàn bầu ông Hiếu. Có đúng thế không nhỉ? Chị tự hỏi mình…

Từ ngày chị nhận hợp đồng đổ rác cho làng năm xóm năm ngày, hết vòng quay lại. Mỗi ngày bình thường bốn chuyến. Xóm nào có đám xá thì chưa biết chừng tăng lên hai ba chuyến. Chuyến nào bao bì cũng xếp ngập đầu đủ mùi hôi thối. Chẳng thế mà bao người chỉ làm được dăm bữa nửa tháng đã bỏ chạy làng. Chỉ có chị là chịu đựng được. Mỗi ngày cả núi rác trên vai. Làng Viềng sạch tưng. Cũng từ ngày chị Hậu hợp đồng đổ rác Viềng Xá mới đủ tiêu chí được công nhận là “Làng văn hóa”. Sớm nào cũng vậy khi tiếng đàn của ông Hiếu rung lên qua chiếc loa ông treo trên ngọn cây bàng cổng nghĩa trang lại vang xa từ làng Viềng sang làng Vay, làng Cội, qua cánh đồng Vạc, đồng Hến đến đồng Thiên,  là lúc xe rác của chị cũng ra đến cổng làng. Chị có cảm giác rõ rệt tiếng đàn đồng hành với chị có sức đẩy xe nhẹ hơn. Những chuyến thiếu tiếng đàn cổ vũ thấy mệt nhọc, dọc đường ba bốn lần nghỉ. Rồi như chị nghiện tiếng đàn mặc dù chỉ nghe tiếng đàn mà chẳng biết mặt mũi vuông tròn, tâm địa trong đục của người đánh đàn.

Một hôm con trai chị lên mua trứng vịt ông Hiếu quản trang, vừa bước chân vào cổng ông Hiếu đã vồn vã: “Ái chà, thằng con trai của bố, bố mong con trai đỏ mắt, ra chơi cho vui, nay mới thấy ló mặt ra, mua trứng chứ gì? Con cứ thăm cơ ngơi của hai trăm liệt sĩ đi, liệu có được như công viên không. Công trình đền đáp của nhân dân với các anh hùng liệt sĩ phải đẹp nhất chứ con trai của bố?. "Dần lần đầu tiên mới đến nghĩa trang kể từ ngày nâng cấp, có ông quản trang mới, nó cảm giác như lạc vào tiên cung trong sách. Nó ngắm từ mô hình anh bộ đội với chị du kích vai vác súng canh cổng đến đôi chim đại bàng, đôi hươu, nai được ông Hiếu cắt tỉa tạo hình từ những cây thông rồi bao nhiêu là bồn hoa cây cảnh. Các ngôi mộ được ốp lát gạch men, đường đi lối lại sạch lau ly, mộ nào cũng có hoa tươi, hương thơm ngào ngạt.

Thằng Dần đi một lúc lâu nhảy chân sáo ôm bó hoa, tay xách túi trứng về. Mẹ chưa kịp trách mắng vì đi lâu, thằng bé đã sung sướng khoe: “Bó hoa hương nhu này bác tặng mẹ, ba bông hồng này cho con, còn trứng vịt bác chỉ lấy tiền ba quả, hai quả bác bảo biếu mẹ con mình. Mẹ ơi, con vừa vào bác đã vồn vã điều nào cũng con trai của bố. Ôi bác vui tính quá!. Mang tiếng bố đẻ đi Hàn Quốc mà chiếc kẹo con cũng chẳng được rồi đi lấy vợ khác bỏ mặc mẹ con mình, không bằng người dưng nước lã, mẹ nhỉ. Tại sao kéo xe qua khát nước mẹ không vào chỗ bác ấy nghỉ chân uống nước. Người làm đồng hoặc nhỡ độ đường vẫn vào nước thuốc nghỉ mát trên các bệ đá dưới gốc đa, gốc bàng. Mà nước bác ấy đun đổ ra thùng, có lấy tiền ai đâu. Nay mai con ra học đàn, bác bảo sẽ dạy con biết chơi đàn bầu đấy mẹ ạ...

Thế rồi bỗng một trưa nắng chị Hậu kéo xe rác nặng đến ngang cổng nghĩa trang nôn thốc tháo, ngã gục, ngất xỉu. Nhìn thấy, ông Hiếu vội ra ôm vào nhà lau rửa mồm mặt, xoa dầu, đánh cảm. Lúc khá lâu tỉnh dậy Hậu thấy mình nằm trên chõng tre, bên cạnh là thuốc cảm, dầu bôi, bát nước còn đang bốc khói, cố chống tay ngồi dậy ngơ ngác nhìn. Thì ra vừa bị ngất chắc có ai đưa vào đây. Mệt quá chị đành nằm xuống khi tỉnh hẳn thì thấy ông Hiếu và mấy cháu học sinh vào. "Chị tỉnh rồi. Xoa dầu đánh cảm biết chị sẽ khỏi liền hô mấy cháu đùn giúp chị xe rác lên bãi, xong rồi. Sao chị tham thế tôi khỏe kéo còn thấy ê vai. Chuyến sau nhè nhẹ thôi, nay chẳng hết thì mai chứ sao. Đã thế còn tham bới rác thu nhặt ni-lông, bao bì mẩu sắt, mảnh nhựa vỡ đi bán, nào được bao nhiêu. Nếu cần thỉnh thoảng ra đây nhặt, cắm, tết hoa giúp tôi. Những ngày cưới hỏi, ma tang tôi làm không xuể phải thuê người khác. Chị đừng vội về, ngồi cho khỏe hẳn đi, tôi pha cháo gói cho chị ăn rồi uống thuốc. Cả nắm lá xương sông hạ nhiệt đem về giã lấy nước pha đường mà uống". Chị nghĩ đúng là hôm đó không có ông Hiếu thì chẳng biết đến đâu.

Cứ thế hằng ngày, mỗi buổi sáng, buổi chiều tiếng đàn bầu trên ngọn cây bàng già kia góp phần đẩy xe rác để chị Hậu nhẹ vai hơn, tăng thêm nhiều chuyến.

Bỗng mấy hôm liền chị Hậu chẳng thấy tiếng đàn vang lên từ làng Viềng Xá sang làng Vay, làng Cội, từ cánh đồng Hến đến đồng Vạc, đồng Thiên, cổng nghĩa trang đóng chặt, trong lòng chị thấy bồn chồn liền sai thằng Dần ra thăm dò. Đúng là ông Hiếu ốm thật. Chị nghĩ: Mình ngất xỉu thì người ta cứu, nay người ta ốm giữa đồng không mông quạnh một mình một bóng, sao cho đành. Chiều tối hôm đó chị sai con chất nồi cháo hành, mua bìa thuốc. Chị dặn thằng bé, tối học xong tắt đèn cài cửa, khuya mẹ mới về. Chị đợi cho tối hẳn mới xách cặp lồng cháo, túi cam bước nhanh trên con đường đến chỗ ông Hiếu.

Chẳng biết đêm ấy cái sự đời đã tắt lịm bấy lâu có thức dậy! Chỉ biết sáng hôm sau tiếng đàn của ông Hiếu lại vang lên từ làng Viềng sang làng Vay làng Cội, từ cánh đồng Hến, đồng Vạc đến đồng Thiên. Những chuyến xe rác của chị Hậu lại bon bon như bay trên đường…

Thanh Hà tháng 3 năm 2010.


Truyện ngắn củaNGUYỄN LONG NHIÊM


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếng đàn bầu và người đổ rác