Tiến trình hòa bình cho Syria vẫn còn nhiều trắc trở

27/11/2019 21:43

Nếu như trong vòng đối thoại đầu tiên về Hiến pháp Syria hồi đầu tháng 11 vừa qua đạt tiến triển vượt kỳ vọng, thì vòng đàm phán sau đó lại gặp trở ngại ngay trong ngày đầu tiên.


Các thành viên Ủy ban Hiến pháp Syria nhóm họp tại Geneva của Thụy Sỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mặc dù đại diện các bên đều có mặt ở Geneva (Thụy Sỹ), song đã không thể tiến hành phiên họp thứ hai này do không thống nhất được chương trình nghị sự. Diễn biến này cho thấy con đường đi đến một nền hòa bình toàn diện cho Syria vẫn còn rất nhiều chông gai.

Những bước tiến tích cực


Trong bối cảnh cuộc nội chiến ở Syria kéo dài dai dẳng đã hơn 8 năm và cuộc chiến chống khủng bố ở nước này đang dần đi đến hồi kết, các bên liên quan trong cuộc chiến ở Syria hiện đang đặt mối quan tâm vào một tiến trình chuyển đổi chính trị tại Syria, trước hết là tiến tới một thỏa thuận chính trị nhằm chia sẻ quyền lực giữa các bên, duy trì hòa bình để phát triển đất nước. Nhưng không thể phủ nhận, với việc mỗi một bên liên quan trong cuộc nội chiến ở Syria đều có nước ngoài bảo trợ nên việc thiết lập một nền hòa bình bền vững cho Syria chắc chắn sẽ là một quá trình vô cùng khó khăn, phức tạp.

Trong những năm qua, nhiều giải pháp nhằm tìm ra một lộ trình chính trị, chấm dứt xung đột tại Syria đã được xúc tiến, trong đó phải kể đến các vòng đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc bảo trợ tại Geneva, bắt đầu từ năm 2012, với vai trò trung gian đàm phán của phái viên Liên hợp quốc phụ trách vấn đề Syria, cũng như các vòng đàm phán trong khuôn khổ "định dạng Astana", do bộ 3 bảo trợ thỏa thuận ngừng bắn gồm Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng kể từ tháng 12.2016.

Những nỗ lực trên đã đưa đến sự nhất trí của các bên về việc thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria. Khi đó, tại Hội nghị hòa bình Syria do Nga tổ chức tại TP Sochi vào tháng 1.2018, các bên đã ký kết một thỏa thuận về việc thành lập một Ủy ban gồm 150 thành viên để soạn thảo hiến pháp mới. Đây được xem là bước đi quan trọng để tiến tới một cuộc bầu cử và giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria vốn đã kéo dài hơn 8 năm. Nhiệm vụ của Ủy ban này là soạn thảo một hiến pháp mới cho Syria thông qua. Đây sẽ là một bước quan trọng dẫn đến bầu cử và một tiến trình chính trị cho cuộc xung đột ở Syria.

Sau đó, các bên đã phải mất đến gần 20 tháng để thống nhất về các thành viên trong Ủy ban, gồm các đại diện của chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad và phe đối lập cũng như nhiều thành viên dân sự. Tiến trình này chỉ bắt đầu đạt được bước tiến đáng kể khi vào cuối tháng 9 vừa qua, Liên hợp quốc công bố về việc Ủy ban hiến pháp Syria đã được thành lập sau gần 2 năm đàm phán. Việc triển khai các công việc của ủy ban này là thỏa thuận chính trị cụ thể đầu tiên giữa Chính phủ Syria và phe đối lập để bắt đầu thực hiện một khía cạnh quan trọng trong Nghị quyết số 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm thiết lập thời gian biểu và phương thức để xây dựng Hiến pháp mới cho Syria. Đây được xem là bước đầu tiên trên con đường dài tìm kiếm giải pháp chính trị cho Syria.

Theo đó, chính phủ Syria và các lực lượng đối lập đã gạt bỏ được những bất đồng để tiến tới một thỏa thuận xây dựng một Ủy ban lập pháp gồm 150 ủy viên, bao gồm các thành viên đại diện của 3 nhóm là chính quyền Damascus, các lực lượng đối lập, và các tổ chức xã hội dân sự. Trong đó, 50 thành viên được Chính phủ đề cử, 50 do phe đối lập đề cử và 50 đại diện của xã hội dân sự. Ngoài ra, Ủy ban Hiến pháp còn có một bộ phận nhỏ gồm có 45 thành viên của cả 3 nhóm (mỗi nhóm có 15 thành viên) chịu trách nhiệm chuẩn bị và dự thảo các đề xuất về Hiến pháp để bộ phận lớn gồm toàn bộ 150 thành viên của Ủy ban thông qua.

Tiếp nối bước tiến trên, 150 thành viên đại diện chính phủ, phe đối lập và xã hội dân sự của Ủy ban Hiến pháp ở Syria đã có lễ ra mắt tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva. Vòng đàm phán đầu tiên về Hiến pháp Syria này đã được tổ chức từ ngày 30.10 đến 8.11. Vòng đàm phán này được đánh giá là đã đạt những tiến triển vượt trên sự mong đợi. Mặc dù thừa nhận các cuộc thảo luận đôi khi “rất khó khăn” song Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria, ông Geir Pedersen, vẫn cho rằng các đại diện của Ủy ban Hiến pháp đến từ Chính phủ Syria, phe đối lập và xã hội dân sự đã giải quyết các bất đồng một cách rất chuyên nghiệp. Ông Pedersen cho biết các đại diện của chính phủ, phe đối lập và và tổ chức xã hội dân sự của Syria "đã ngồi xuống cùng nhau, tôn trọng lẫn nhau, đối thoại với nhau... một cách khá ấn tượng". Điều này khi đó đã mang lại cơ hội có thể hòa giải chính trị cho các bên ở Syria sau hơn 8 năm chiến tranh.

Trong vòng đàm phán đầu tiên này, các bên tham gia đối thoại đã tập trung chủ yếu vào các vấn đề chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và khủng bố, nhưng chưa đi sâu vào chi tiết. Tại vòng đàm phán thứ nhất này, cũng chưa có thỏa thuận về việc phóng thích hàng nghìn tù nhân trong nước, một vấn đề được xem là rất quan trọng, cần thiết để xây dựng niềm tin giữa các bên ở Syria.

Còn nhiều trắc trở


Những tưởng tiến triển của vòng đàm phán đầu tiên sẽ tiếp tục mở đường thuận lợi cho vòng đàm phán tiếp theo, thế nhưng sau đó tiến trình đàm phán lại gặp trắc trở. Theo kế hoạch, vòng đàm phán thứ hai giữa các thành viên của cơ quan soạn thảo hiến pháp thuộc Ủy ban Hiến pháp Syria (gồm 45 người) đã được ấn định vào ngày 25.11 tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva, song phái đoàn chính phủ tham gia Ủy ban trên đã rời đi ngay trước khi cuộc đàm phán bắt đầu với lý do không nhận được những câu trả lời đối với đề xuất cụ thể hóa một kế hoạch làm việc.

Trong khi đó, người phát ngôn của phe đối lập Yahya al-Aridi lại cho rằng lý do không tiến hành cuộc họp ngày 25.11 là vì các bên không đạt được thỏa thuận về chương trình hoặc kế hoạch thảo luận. Ðại diện chính phủ đã đưa ra một đề mục đề xuất thảo luận bao gồm chống khủng bố, bãi bỏ trừng phạt, lên án sự xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng phe đối lập lại chỉ trích các yêu cầu này "mang tính chính trị".

Những động thái này đã phủ bóng đen lên những tiến triển của phiên họp thứ nhất hồi đầu tháng 11 vừa qua. Điều này cũng phản ánh thực tế tình hình chính trị phức tạp ở Syria hiện nay. Đó là những xung đột về lợi ích của các phe phái trong nội bộ và sự can thiệp, tạo ảnh hưởng của các nước lớn trong khu vực và thế giới.


Theo các nhà phân tích, với nhiều mâu thuẫn đan xen trong đó có vấn đề chính trị nội bộ, sự can thiệp và ảnh hưởng của các nước lớn, vấn đề biên giới và vấn đề người Kurd…, có thể thấy rõ tiến trình đi tới thống nhất, ổn định, hòa bình ở Syria không hề dễ dàng và còn vô vàn trở ngại.

Thứ nhất, việc xảy ra nội chiến ở Syria xuất phát từ những bất đồng, mâu thuân nội bộ và hơn nữa là cạnh tranh quyền lực, vị trí trong chính phủ của các lực lượng. Do đó, mục đích cuối cùng của việc sửa đổi lại Hiến pháp chính là vì các bên muốn phân chia quyền lực, phân chia lợi ích, ảnh hưởng. Nhưng đây lại luôn là vấn đề khó trong các cuộc xung đột hay bất đồng ở Trung Đông.

Thứ hai, về bản chất, cuộc xung đột ở Syria trong hơn 8 năm là một cuộc chiến ủy nhiệm của các cường quốc. Do đó ngay cả người Syria có muốn đồng thuận thì cũng khó nếu như các nước hậu thuẫn và lực lượng bên ngoài chưa đạt được thỏa hiệp. Minh chứng rõ nhất là tiến trình đàm phán hòa bình về Syria do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tổ chức trong 2 năm qua đến vẫn cũng chưa có nhiều tiến triển.

Thứ ba, những trở ngại của tiến trình giải quyết khủng hoảng Syria hiện nay còn phụ thuộc vào tình hình thực địa mà cụ thể là sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các lực lượng trong việc giành quyền kiểm soát kinh tế, lãnh thổ, quân sự… Vấn đề thực địa lại phụ thuộc nhiều vào ảnh hưởng, sự can thiệp từ bên ngoài như Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Arab và cả Israel. Cuộc chiến ủy nhiệm này vì thế sẽ khó kết thúc sớm khi mà các bên vẫn còn lợi ích, vẫn còn cần hồ sơ Syria để thương lượng trong các vấn đề lợi ích chiến lược riêng khác.

Ở chiều ngược lại, về phía chính phủ Syria, hiện nay trên thực địa, quân đội chính phủ Syria đang đẩy mạnh những cuộc tấn công vào lực lượng nổi dậy và thành quả mới nhất là đã kiểm soát được một ngôi làng ở tỉnh Idlib, một trong những điểm nóng giao tranh khốc liệt còn lại ở Syria. Nhờ đó, địa vị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chỗ bị lung lay dữ dội thì nay lại có vị trí khá vững chắc và dĩ nhiên ông cũng muốn có tiếng nói tương xứng trên bàn đàm phán.

Không những vậy, hiện trên bàn đàm phán của các đại diện trong Ủy ban Hiến pháp Syria không bao gồm đại diện của chính quyền tự trị người Kurd ở miền Bắc và Đông Bắc Syria. Điều này cũng có thể khiến chính quyền người Kurd vốn đang kiểm soát khá hiệu quả vùng Đông Bắc Syria bất bình. Họ cho rằng việc bị loại trừ khỏi Ủy ban là "bất công" và điều này làm suy yếu các nguyên tắc dân chủ.

Chính vì những phức tạp trên đã khiến cho tiến trình đi tới thống nhất, hòa bình ở Syria không hề dễ dàng và còn rất nhiều khó khăn, trở ngại. Ngay cả khi đại diện các bên chịu ngồi vào bàn đàm phán để họp về tương lai Syria với bản Hiến pháp mới thì các cuộc đụng độ, giao tranh vẫn còn đang tiếp diễn. Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Geir Pedersen cũng đã thừa nhận, dù Ủy ban Hiến pháp Syria với đại diện các phe phái đã được thành lập nhưng các bên vẫn còn quá nhiều khác biệt. Vì thế, “con đường phía trước sẽ không dễ dàng”.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiến trình hòa bình cho Syria vẫn còn nhiều trắc trở