Tiện ích định danh điện tử

24/10/2022 08:33

Ứng dụng VNeID hiện đã có mặt trên các kho ứng dụng của Google, Apple nhưng việc cài đặt ứng dụng VNeID không đơn giản.

Mấy hôm rồi, tôi nghe bạn bè, đồng nghiệp nhắc nhiều đến những cụm từ như danh tính điện tử, định danh điện tử (ĐDĐT)… Quy định về danh tính điện tử, ĐDĐT là một trong những điểm mới đáng chú ý trong Nghị định 59/2022/NĐ-CP ngày 5.9.2022 của Chính phủ. Theo đó, từ ngày 20.10.2022, mỗi cá nhân hay tổ chức đều có danh tính điện tử cho phép xác định duy nhất cá nhân hoặc một tổ chức trên môi trường điện tử. Danh tính điện tử của công dân Việt Nam gồm thông tin cá nhân là số định danh; họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính và thông tin sinh trắc học (ảnh chân dung, vân tay). Mỗi danh tính điện tử được đăng ký một tài khoản ĐDĐT. Tài khoản này là tập hợp tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an). Công dân từ 14 tuổi được cấp tài khoản định danh.

Ảnh minh họa

Từ giờ, người dân có thể xuất trình thông tin ĐDĐT (qua ứng dụng VNeID) để chứng minh nhân thân, thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) cũng như các giao dịch dân sự thay căn cước công dân gắn chip như hiện nay. Thời gian tới, khi ứng dụng được hoàn thiện lại càng tiện lợi hơn vì những giấy tờ như thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe... cũng được tích hợp. Lúc đó chúng ta không phải mang theo nhiều loại giấy tờ rườm rà như hiện nay.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu tôi được biết việc cài đặt ứng dụng VNeID không đơn giản. Ứng dụng VNeID hiện đã có mặt trên các kho ứng dụng của Google, Apple. Người dân có thể lên kho ứng dụng Google Play (CH Play) đối với các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android và App Store với các thiết bị sử dụng hệ điều hành iOS để tải ứng dụng này về điện thoại của mình. Nhưng một điều chưa nhiều người biết là ứng dụng VNeID yêu cầu thiết bị di động của người dân phải sử dụng hệ điều hành Android 5 hoặc iOS 9 trở lên. Ngoài ra, người dân cũng được khuyến khích nên sử dụng thiết bị di động có camera tốt, cấu hình từ trung bình trở lên và bảo đảm kết nối internet để có trải nghiệm tốt nhất trong quá trình sử dụng… Những yêu cầu này đối với giới trẻ thì không thành vấn đề, tuy nhiên với những người trung và cao tuổi thì không phải ai cũng có điện thoại thông minh đời cao hay liên tục có kết nối internet để sử dụng ứng dụng. Ngoài ra, thủ tục các bước trong đăng ký tài khoản khá phức tạp cũng là một thách đố với nhiều người dân, nhất là những người không thạo công nghệ. Hiện nay, cũng chưa nhiều người nhận được thông báo của C06 phê duyệt hồ sơ đăng ký tài khoản ĐDĐT. Không ít người thắc mắc và không biết phải làm gì để được phê duyệt hồ sơ này...

Tháng 10.2022, TP Hà Nội đã có văn bản khuyến khích công dân dùng tài khoản ĐDĐT để thực hiện TTHC. Hải Dương hiện là một trong 14 tỉnh đã hoàn thành kết nối giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh. Tỉnh đã xây dựng xong 3 API (giao diện lập trình ứng dụng) theo tài liệu mô tả của C06, hoàn thành tích hợp, đồng bộ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư lên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Mở 3 chức năng đã kết nối từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (dịch vụ xác nhận số định danh cá nhân và chứng minh nhân dân, dịch vụ xác thực thông tin hộ, dịch vụ tra cứu thông tin công dân) trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh, chính thức được kích hoạt từ ngày 5.10.2022…

Như vậy, trong thời gian tới, tài khoản ĐDĐT sẽ trở thành một trong những thứ không thể thiếu của mỗi công dân Việt Nam khi thực hiện các giao dịch, TTHC. Tuy nhiên, để theo kịp lộ trình chuyển đổi số, bên cạnh sự cố gắng của mỗi công dân để trở thành công dân số, ngành công an, chính quyền các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nắm được những tiện ích của việc sử dụng danh tính điện tử, ĐDĐT, cách thức đăng ký, cài đặt…

KIM THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiện ích định danh điện tử