Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, số tài sản 1,6 tỷ đồng bị mất ở cơ quan là số tiền do ông để dành mà có.
Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, tại phiên họp HĐND TP Hồ Chí Minh ngày 10-7-2014
>> Giám đốc sở bị mất 1,6 tỷ đồng trong phòng làm việc
Chiều 11-8, đại tá Nguyễn Tấn Đạt, trưởng Công an quận 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, đã chuyển toàn bộ hồ sơ ban đầu vụ giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường mất tiền, sang Công an TP Hồ Chí Minh.
Theo đại tá Đạt, khi phát hiện bị mất trộm 1 tỷ đồng và 30 nghìn USD, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh không làm đơn trình báo mà chỉ khai báo vụ việc để Công an Q.1 lập hồ sơ truy xét.
Cùng ngày, một cán bộ PC45 cho biết, đã nhận được hồ sơ vụ ông Đào Anh Kiệt mất trộm do Công an Q.1 chuyển lên. PC45 đang truy xét, chưa thể đưa ra nhận định gì về vụ việc.
Được biết, ông Đào Anh Kiệt đã khai báo với Công an phường Bến Nghé (quận 1) việc ông để số tiền 1 tỷ đồng và 30 nghìn USD trong tủ bàn làm việc tại cơ quan nhưng bị mất.
Trao đổi vớiphóng viên ông Anh Kiệt cho biết, số tài sản 1 tỷ đồng và 30 nghìn USD ông bị mất ở cơ quan là số tiền mồ hôi, nước mắt của ông, do ông để dành mà có. Ông dùng số tiền này để mua trả góp một căn hộ chung cư cho con trai.
Số tiền này do ông rút từ ngân hàng để chuẩn bị giao cho bên bán chứ không phải tiền chung chi, hay tiền tham nhũng, quỹ đen như dư luận đồn đoán. Sau khi đếm tiền, ông bỏ hết vào trong tủ ở phòng làm việc, chìa khóa tủ vẫn cắm trên ổ. Đến khi ông Kiệt tìm chìa khóa để mở tủ nhưng không thấy, gọi thợ khóa đến mở tủ thì số tiền đã không còn.
Ông Kiệt nói: “Tôi không e ngại gì khi đi báo công an về số tài sản bị mất, cũng không ngại bị tiết lộ thông tin. Lúc đầu tôi có ý giữ thông tin vì sợ mọi người bàn tán nghi ngờ. Nguồn gốc số tiền trên tôi đã khai minh bạch, rõ ràng với Đảng, với Nhà nước và Ban phòng chống tham nhũng rồi. Tôi đang rất buồn vì mất tiền, tôi định không cho con trai tôi biết nhưng báo chí đã đăng rồi. Con tôi có nhắn tin an ủi tôi”.
* Có dư luận cho rằng một số quan chức mất tài sản nhưng không trình báo, thậm chí cơ quan chức năng hỏi đến cũng nói không có. Khi đi báo công an, ông nghĩ gì, thưa ông?
- Những người khác thì sao tôi không biết. Nhưng với tôi, đây là số tài sản lớn tôi dành dụm qua mấy chục năm làm việc mới có. Sao không báo công an được, nó bằng một nửa giá trị căn hộ chung cư tôi định mua.
* Thưa ông, vì sao có 30 nghìn USD mà không hoàn toàn là tiền Việt Nam?
- Có thời gian tiền Việt Nam mất giá, tôi đổi ra tiền USD để dành. Như những người khác tích lũy bằng vàng vậy thôi.
* Lương giám đốc sở của ông được bao nhiêu mỗi tháng mà ông để dành được số tài sản trên?
- Tôi đã làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường 37 năm rồi, cũng chừng ấy năm tôi dành dụm. Hơn nữa, nguồn thu nhập tôi đã khai rõ trong bảng kê khai tài sản, nên tôi không có gì phải ngại.
* Trước phòng làm việc của ông có camera, hình ảnh thu được có cho manh mối gì không?
- Hình ảnh camera thu được rất khả nghi, tôi đã giao hết cho công an rồi, để họ điều tra và xử lý.
* Xin ông cho biết từ trước đến nay, ở Sở Tài nguyên và Môi trường có xảy ra vụ mất cắp nào không?
- Chưa hề có. Tôi nghĩ vì tôi quên chìa khóa làm cho người ta nhìn thấy phát sinh lòng tham mà lấy thôi.
Pháp luật không cấm mang tài sản để tại cơ quan Đến nay, không có văn bản pháp lý nào cấm cán bộ mang tài sản đến để ở phòng làm việc trong công sở. Có nhiều lý do để người ta có thể mang tiền bạc và tài sản đến để ở công sở bởi sự an toàn, hoặc chỉ đơn giản nhà cửa sửa sang, thợ thuyền nhộn nhạo hoặc chỉ là sự tiện lợi. Một ngày, mỗi người gắn bó với công sở thậm chí còn nhiều hơn ở nhà nên đôi khi vì cảm giác an toàn hoặc tiện lợi mà mang tài sản để ở đó là bình thường. Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP Hồ Chí Minh |
D.N.HÀ - Đ.THANH (Tuổi trẻ)