Theo luật pháp Thái Lan, khi dự luật bị Quốc hội phản đối, Chính phủ vẫn có thể thực thi như một sắc lệnh hành pháp.
Người biểu tình chống Chính phủ tuần hành trên đường phố Bangkok để phản đối dự luật ân xá. (Ảnh: AP)
Đêm 11-11, với 141/141 phiếu, Thượng viện Thái Lan đã bác dự luật ân xá chính trị gây tranh cãi trong bối cảnh có hàng chục nghìn người biểu tình chống Chính phủ tuần hành trên đường phố Bangkok.
Phó Chủ tịch Thượng viện Thái Lan Surachai Lengboonlertcha cho biết, "Thượng viện đã từ chối đưa dự luật này ra xem xét".
Trong khi đó, cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban, thành viên đảng Dân chủ đối lập tuyên bố ông sẽ từ bỏ ghế Quốc hội trong ngày 12-11 cùng với 8 nghị sĩ khác để phản đối dự luật ân xá và kêu gọi tiến hành chiến dịch bất tuân dân sự.
Đảng Dân chủ nghi ngờ Chính phủ đang có kế hoạch ép buộc thông qua dự luật này bằng cách coi đây là một sắc lệnh hành pháp.
Theo luật pháp Thái Lan, khi dự luật bị Quốc hội phản đối, Chính phủ vẫn có thể thực thi như một sắc lệnh hành pháp.
Ông Suthep nêu rõ, "việc bất tuân dân sự là biện pháp hòa bình chống lại dự luật ân xá của Chính phủ", đồng thời kêu gọi công nhân tham gia cuộc tổng bãi công từ ngày 13 đến 15-11.
Mặc dù liên minh cầm quyền do đảng Puea Thai (Vì nước Thái) dẫn đầu đã ký một bản cam kết không đưa dự luật trên ra thảo luận lần nữa nếu Thượng viện không thông qua, người biểu tình chống Chính phủ vẫn tiếp tục tụ tập tại Thủ đô Bangkok phản đối dự luật.
Theo cảnh sát Thái Lan, có khoảng 50.000 người biểu tình đã có mặt tại trung tâm chính trị Bangkok trong đêm 11-11.