Những tháng ở nhà trách dịch, vợ chồng ông cũng thỉnh thoảng lục đục vì chuyện tiền nong, cách nuôi dạy con lẫn khoảng cách tuổi tác (vợ kém ông 32 tuổi). Mâu thuẫn ban đầu chỉ là chuyện tranh cãi lặt vặt thường nhật, lâu ngày tích tụ dần thành những vết rạn lớn. Theo Thương Tín, vợ chồng ông chỉ sống chung nhiều năm, không đăng ký kết hôn nhưng trên giấy khai sinh của con có cả tên cha lẫn mẹ. Con gái ông tên thân mật là Bon, đang học lớp hai, hiện chưa trở lại trường lớp do dịch.
Khi vợ dọn đi, ông gửi vợ số tiền nhà hảo tâm quyên góp cho ông chữa trị hậu đột quỵ hồi tháng 2, xem như một khoản giúp con học hành. Số tiền này ông vốn định để dành mua bảo hiểm cho con nên thời gian qua dù hoạn nạn vẫn không đụng đến.
Gần hai tháng sau khi giãn cách nới lỏng, ông vẫn chưa trở lại công việc vì không có dự án mới. Hai phim ông từng được mời - một của cố nghệ sĩ Lê Cung Bắc, một của bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân, Nam Cito - chưa có kế hoạch bấm máy trở lại sau khi hoãn vì dịch. Thất nghiệp, ông hiện sống tại phòng trọ 20 m2 ở quận 12. Phí trọ hai triệu đồng mỗi tháng nhưng vài tháng qua, ông không còn tiền trả, được chủ trọ thương tình cho khất.
Thương Tín sống nhờ tình thương của các nhà hảo tâm và bạn bè. Lúc dịch còn bùng phát mạnh, ông được một số người quen tiếp tế gạo, trứng sữa. Khi trở lại cuộc sống bình thường mới, thỉnh thoảng, một số người bạn ghé thăm, mời ông đi ăn vì trân trọng tài năng một thời. Tuần trước, chiếc xe máy - do một người thân tặng ông nhiều năm qua - bị mất cắp gần khu ông sống, hiện vẫn chưa tìm được thủ phạm. Ông cho biết nửa muốn đòi bồi thường, nửa lại không vì đoán người giữ xe cũng nghèo như mình. Hồi tháng hai, một người quen tặng ông chiếc xe hơi cũ, được ông cho thuê bốn triệu đồng mỗi tháng. Gần đây, xe hư, không có tiền sửa, ông đành để tạm một góc. Ông cười buồn, nói: "Đúng là nghèo nó hay xui".
Niềm vui hiếm hoi của Thương Tín là những lúc nghĩ về con gái. Khi mệt mỏi, nhìn con gái lý lắc, tạo dáng trước điện thoại, ông vơi hết nhọc nhằn. Ông thường chọc con là "đạo diễn tương lai" vì cô bé rất hay yêu cầu bố diễn xuất. Mỗi lần ông về nhà trễ, con gái trách: "Hôm nay ba về trễ đó nha", rồi "phạt" ông diễn một đoạn kịch do bé tự nghĩ, xong mới cho ba đi ngủ. Thấy con xinh xắn, cao ráo hơn bạn bè cùng lứa, ông dự định sắp tới nhờ nghệ sĩ Trịnh Kim Chi dạy diễn xuất cho bé trong lớp đào tạo diễn viên nhí. Ông nói: "Bảy năm qua, khi có con, tôi thấy mình điềm đạm hơn, không còn xốc nổi như trước. Giờ, tôi không mong ước gì nhiều, chỉ cần có công việc đều đặn để nuôi con".
Ở tuổi 65, Thương Tín thừa nhận hào khí trong ông đã vơi nhiều, không còn mặn mà với nghề diễn. Sau đợt đột quỵ, sức khỏe ông giảm sút, chân đi lại tập tễnh. Vai mới nhất ông nhận lời quay trong phim điện ảnh Tứ đại mỹ nhân (Bảo Nhân - Nam Cito) là vì nhân vật chỉ ngồi xe lăn một chỗ. Ông cho biết nếu dự án khởi quay, đó có thể là phim cuối cùng ông tham gia. Thương Tín đang chờ người quen ở Pháp về mở một nhà hàng, ông vào phụ giúp để kiếm thu nhập trang trải.
Thương Tín sinh năm 1956, từng học tại Trường Quốc gia Âm nhạc - Kịch nghệ Sài Gòn. Ban đầu, ông từng đầu quân cho Đoàn kịch nói Cửu Long Giang rồi Đoàn Kim Cương. Tại Đoàn Kim Cương, Thương Tín đóng cặp với "kỳ nữ" Kim Cương và nổi tiếng qua nhiều vở diễn gây ấn tượng mạnh với khán giả như Bông hồng cài áo, Vực thẳm chiều cao, Huyền thoại mẹ, Tanhia...
Về sau, ông tham gia điện ảnh và ghi dấu ấn với vai thiếu tá Lưu Kỳ Vọng trong Ván bài lật ngửa, tướng cướp Bạch Hải Đường trong SBC, Sáu Tâm trong Biệt động Sài Gòn, Tám Thương trong Chiến trường chia nửa vầng trăng... Năm 2015, Thương Tín ra mắt hồi ký Một đời giông bão. Trong sách, ngoài thuật lại cuộc đời thăng trầm, ông còn kể lại trải nghiệm tình ái với nhiều người đẹp trong làng giải trí một thời.
Theo VnExpress