Những ngày này, câu chuyện thưởng Tết đang thu hút sự quan tâm của nhiều người lao động (NLĐ).
Một mặt, do năm nay chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên NLĐ e ngại số tiền thưởng Tết sẽ bị giảm đi. Mặt khác, theo quy định tại khoản 1, điều 104, Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1.1.2021, người sử dụng lao động có thể thưởng cho NLĐ là tiền mặt hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của NLĐ. Theo đó, thưởng Tết cho NLĐ năm 2021 ngoài tiền mặt có thể là hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, phiếu mua hàng, sản phẩm ngoài thị trường...
Trước hết, chúng ta cần nhìn nhận đúng đắn rằng, thưởng Tết không phải quy định bắt buộc của pháp luật. Đây là chính sách đãi ngộ, thu hút NLĐ của doanh nghiệp nên tùy thuộc vào quan điểm của chủ sử dụng lao động, mỗi nơi có một cách tính khác nhau. Thường thì các doanh nghiệp thưởng Tết âm lịch là chính, với mức thưởng cao hơn hẳn so với Tết dương lịch. Theo rà soát của Liên đoàn Lao động tỉnh, dịp Tết Canh Tý 2020 toàn tỉnh có 435 đơn vị, doanh nghiệp (nơi có tổ chức công đoàn) thưởng Tết cho NLĐ với tổng số tiền khoảng 652 tỷ đồng. Đa phần các đơn vị, doanh nghiệp chi mức thưởng cho một người bằng một tháng lương cơ bản. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp thưởng từ 30-100% tháng lương cơ bản.
Năm nay, với quy định mới về thưởng Tết có thể bằng hiện vật và đặt trong bối cảnh phần lớn doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, câu chuyện đặt ra là làm thế nào để thưởng Tết ấm lòng NLĐ? Hiện có không ít NLĐ đang rất băn khoăn. Họ sợ rằng doanh nghiệp có thể vẫn thưởng Tết, nhưng sẽ thưởng cho NLĐ những sản phẩm không phù hợp hoặc giá trị thật của hàng hóa không cao so với tiền mặt. Lo lắng này của NLĐ không phải không có căn cứ. Bởi ở Hải Dương trước đây từng có một doanh nghiệp may có số lượng công nhân, lao động lớn trong tỉnh đã thưởng Tết cho NLĐ những loại sản phẩm như dầu ăn, nước mắm, mỳ chính, bánh kẹo... Tuy nhiên, khi so sánh giá các sản phẩm này ở ngoài thị trường, công nhân thấy số hàng họ nhận được không có giá trị thực cao bằng mức tiền công ty công bố.
Để việc thưởng Tết có ý nghĩa thiết thực với NLĐ, không mang tính "thưởng cho có", doanh nghiệp nên thực hiện theo quy định và hài hòa lợi ích của cả hai bên. Khoản 1, điều 104, Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 đã nêu rõ quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở (đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở). Ở nước ta, tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở hiện nay là tổ chức công đoàn. Vậy nên, công đoàn cơ sở cần đứng ra tập hợp ý kiến của NLĐ xem nhu cầu, mong muốn của họ được thưởng Tết như thế nào (bằng tiền mặt hoặc hiện vật) gửi lên để chủ sử dụng lao động nắm bắt, thực hiện.
Trong trường hợp doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng thiết yếu, có mong muốn thưởng cho công nhân trong dịp Tết thì công đoàn cơ sở có thể xem xét để vận động NLĐ chấp nhận, nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp có bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh. Bên cạnh đó, năm nay doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sẽ giảm mức thưởng so với năm ngoái thì tổ chức công đoàn cần tham mưu với chủ sử dụng lao động công khai mức độ thiệt hại của doanh nghiệp để NLĐ sẻ chia, thông cảm.
Trong trường hợp doanh nghiệp vin vào dịch bệnh để không thưởng hoặc thưởng Tết không thỏa đáng thì công đoàn cơ sở cần có ý kiến, có thể báo cáo tổ chức công đoàn cấp trên can thiệp, bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.
THANH NGA