<b>Phim truyền hình Thương nhớ ở ai dựa trên tiểu thuyết Bến không chồng lên sóng trễ gần hai năm không phải bị “đắp chiếu”. Đạo diễn tiết lộ thời gian hoàn thiện kỹ xảo lên tới gần hai năm. </b><br>
Thương nhớ ở ai dài 34 tập, dự kiến phát VTV3 vào 14h30 thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần từ 4/11, vẫn do Lưu Trọng Ninh đạo diễn-anh từng thành công với phim điện ảnh Bến không chồng. Ban đầu phim có tựa Bến tình, sau chính đạo diễn đòi đổi. “Bến tình e bị ảnh hưởng Bến không chồng nên tôi tìm tên mới. Ngồi nghĩ một loạt, tên ăn khách thì không theo được rồi, tôi chọn Thương nhớ ở ai. Nghe rất mông lung nhưng nội dung rất đúng, bởi cả hội thương nhau tới tận cùng nhưng tại sao vẫn đau khổ, bi đát”, Lưu Trọng Ninh nói.
Câu chuyện lấy bối cảnh từ 1954 trở đi, anh bộ đội Vạn về làng Đông chứng kiến bao sự cay đắng của phụ nữ nơi đây. Trải qua hai cuộc chiến, ngôi làng Đông vắng bóng đàn ông chỉ còn đàn bà goá ngày ngày tụ tập ở bến nước đầu làng. Họ không chỉ hứng chịu nỗi đau mất mát người thân, hơn hết họ bị giam cầm, trói buộc bởi những định kiến hà khắc.
Hỏi Lưu Trọng Ninh phim truyền hình có thoát khỏi cái bóng của phim điện ảnh Bến không chồng, anh cười “phải thoát chứ, bởi ngay phim điện ảnh cũng thoát khỏi truyện rồi”. Lưu Trọng Ninh nhận được đặt hàng của Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam về đề tài nông thôn. “Tôi bảo họ vậy hãy làm phim từ Bến không chồng hoặc truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, tuy nhiên Tư nói bán bản quyền truyện rồi. Nếu được làm phim từ truyện của Nguyễn Ngọc Tư sẽ mới hơn, đỡ dẫm lại vết xe cũ”, đạo diễn nói. Dù thách thức không nhỏ nhưng Lưu Trọng Ninh khá tự tin vì phiên bản truyền hình mở rộng ra nhiều tuyến nhân vật hơn, chuyển tải tốt hơn khung cảnh và câu chuyện về làng quê thời kỳ đó.
Nhiều đạo diễn bây giờ sợ làm phim về nông thôn, nhất là bối cảnh những năm 1960-1970 bởi cơn lốc đô thị hoá nông thôn. Với Thương nhớ ở ai, ê kíp tìm bối cảnh ở 18 làng khác nhau tại 6 tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra. Đạo diễn bảo mấy thứ trên cao như dây điện cột điện không lo, sợ nhất nhà ống, mái fibro xi măng và đường bê tông, thậm chí mặt đê bây giờ rất hiếm chỗ còn đường đất. Đó cũng là một trong những lí do các nhà làm phim mất nhiều thời gian cho kỹ xảo. “Chúng tôi phải tìm từng góc thôi như giếng nước chỗ này, bờ ao chỗ kia và khi dựng liên kết lại thành ngôi làng hoàn chỉnh. Khán giả vẫn có cảm giác đang ở trong một không gian”, Lưu Trọng Ninh nói. Đạo diễn hứa hẹn phim này mang màu sắc phim điện ảnh từ kịch bản tới cách làm kỳ công. Bến không chồng từng giành giải A tại Giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2000 cùng với Mùa ổi của Đặng Nhật Minh.
Dàn diễn viên Thương nhớ ở ai không nhiều người quen mặt, đạo diễn Bùi Thọ Thịnh nói rằng tiêu chí đơn giản là hợp vai. “Chúng tôi mong muốn làm phim không phụ thuộc diễn viên nổi tiếng, chỉ cần diễn viên hợp vai, ấn tượng. Lâm Vissay (Vạn) hợp vai vì có chút ngây ngô, can trường, chút gồ ghề của người lính và có bản lĩnh”, Bùi Thọ Thịnh nói. Diễn viên quen mặt khác như Thanh Hương (Người phán xử) vào vai Nương-ca nương từ thành phố trở về ngôi làng đau khổ này.
Giải thích về việc mời Bùi Thọ Thịnh cộng tác, Lưu Trọng Ninh nói vì đúng lúc làm phim này anh ngã bệnh nên đề nghị VFC chuẩn bị sẵn ê kíp “đề phòng tôi có chuyện gì”. Anh kể thời gian đó vừa quay phim vừa tập tành tăng thể lực để chiến đấu với bệnh tật, sau may mắn vượt qua và hoàn thành bộ phim. Lưu Trọng Ninh nói thêm rằng không hẳn có thói quen chỉ chọn gương mặt mới, trực giác thấy diễn viên nào hợp vai là mời, kể cả Lâm Vissay. “Nhiều đạo diễn truyền hình bây giờ muốn chọn người có tiếng cho kịp tiến độ, an toàn thôi chứ tôi nghĩ ai cũng muốn phim mình có diễn viên mới”, Lưu Trọng Ninh nói.