Thương nhớ hoàng mai

22/01/2012 09:11



Buổi sáng. Trời còn mờ sương, cha bảo:

-Năm hết, tết đến rồi con.
Đang định dắt xe để tới cơ quan, tôi liền quay lại. Cha đang ngồi nơi bộ sa lông bên cạnh bình trà nóng nhưng mắt thì nhìn ra ngoài, phía có giò lan và chậu mai đặt nơi góc sân. Tôi cười khi đến bên cha:
-Con định ngày kia tuốt lá mai nhà mình.
-Năm nay nắng rộ, trời ít lạnh, chậm xuống lá cho kịp tết - Cha nói.
Cha rót nước vào tách đưa tôi. Hương trà lài phảng phất dễ chịu. Tôi nhìn cha, dáng ông ngồi cui cúi, mắt nhìn vào một điểm nhưng đầu lại nghĩ vẩn vơ đâu đây mà tôi thường bắt gặp, nhất là vào lúc trời đang giao mùa, lúc chuẩn bị giỗ chạp, lúc nắng xuân chầm chậm len vào cửa nhà sau những ngày đông giá lạnh. Và bất chợt tôi lại thảng thốt nhớ hình ảnh ông tôi ngày cũ, cũng dáng ngồi như cha nhưng ở một thời điểm khác, một vùng đất xa xôi khác mà đón những cái tết buồn, vui khác. Hơn 40 năm trôi qua, thời gian đằng đẳng với bao biến cố, bao thăng trầm cuộc sống trong gia đình này. Ông mất, cha lại già da mồi tóc bạc và tôi cũng lớn, trưởng thành để đang dần về độ tuổi của cha ngày cũ, những ngày tôi thường nhìn cha và ông bên một bàn trà mỗi độ xuân về.
-Con có đặt trước cành mai núi, dặn cành nhánh phải đều sung mãn, không cần cao lắm, định sẽ đặt cạnh bàn thờ ông.
-Ừ, để cha trui gốc ngâm nước trước đã. Thôi con đi đi…

Tôi đưa xe ra cổng, đường phố đang tấp nập dòng người qua lại, hầu như ai cũng hối hả đi trong nắng hanh vàng, trong những ngày tháng chạp. Xe qua cầu, qua chân tháp cổ xuôi về phía biển. Tôi vẫn chầm chậm chạy xe giữa dòng người xuôi ngược mà miên man nhớ. Bất chợt, tôi sực tỉnh khi biết mình cũng như cha, như ông là luôn nhớ đến se thắt những hình ảnh còn đọng khi thời gian đi qua và thời gian đang đến.

Tuần sau, cành mai tôi đặt mua đã được người bạn mang đến. Cha cầm săm soi từ gốc đến ngọn, gật gật đầu. Cành mai tận miền tây giáp ranh Mađêlắc mịt mù khí núi, trùng trùng mây phủ. Nhưng cha thay đổi ý định ban đầu, là chậu mai ngoài sân vẫn được đặt bên bàn thờ ông như mỗi năm, còn cành mai núi này, sẽ để bên bộ sa lông tiếp khách. Tôi im lặng nhưng vẫn gật gật đầu. Buổi chiều, trên ban công tôi nhìn xuống thấy cha cầm trên tay chiếc bao gai đi dần ra cổng. Tôi biết, ông sẽ sang bên kia sông, đến nhà chú Tư người bạn cũ để uống ly rượu cuối năm, trò chuyện một lát rồi mang ít đất phù sa mà về bón vào chậu mai góc sân. Lại dáng đi cui cúi, lại những bước chân soải rộng nhưng chậm đi nhiều và cho tôi hình ảnh của 40 năm trước cũng đang chầm chậm quay về…

Bốn mươi năm trước, gia đình tôi ở nơi vùng cát phía làng chài ven biển. Tôi ngày ngày cùng đám bạn lê la vọc cát, tìm hái những trái bàn chải vào mùa chín rộ và bẫy những con dông sống trên khu mả lạng heo hút bóng người. Má thì ngày ngày về làng ngoại cày cấy lúc cha buông lưới ven bờ cùng ông. Đang chiến tranh thì ước mơ nhỏ có cái ăn, cái mặc là sướng lắm rồi. Bởi trong góc cái làng cát nhỏ nhoi như ốc đảo ấy, đêm đêm vẫn văng vẳng tiếng súng dội về phía núi Đá Bia, phía bãi Môn cùng bầy trực thăng in bóng trên cát nghiêng cánh qua làng những lúc về chiều.

Mỗi đận cuối năm, sau khi lau dọn bàn thờ, treo lưới ra chái nhà, quét dọn sân vườn xong thì hẳn rằng mờ mờ sáng hôm sau, trời còn đẫm sương, ông và cha tay vác rựa vai mang bao cói lên đường vào núi Đá Bia lấy mai rừng. Có năm, tôi đòi theo, má lắc đầu bảo: “Xa lắm, không đi nổi đâu con”. Hai ngày sau, ông và cha về, trên vai hai người là bó mai sần sùi mốc thếch được bó chặt. Sáng đầu năm, cả xóm tưng bừng mai nở, nhà tôi rực rỡ mai vàng khoe sắc. Sau tết, Thanh minh vào tiết tháng ba, ông lại dùng những hột đã chín sẫm để trồng từng hàng mai quanh sân cát rộng, có bờ tường đá san hô chắn cát cao dày. “Sau này, nhà ta sẽ thành Mai hoa trang để con mặc sức mà ngắm một màu hoàng mai mỗi độ xuân về”, ông nói, mắt mơ màng nhìn về một điểm, điểm ấy là những cánh sóng rì rào trôi trên bờ cát hanh vàng sắc nắng, thấp thoáng những rặng phi lao cằn cỗi.

Lại một mùa xuân về trên làng chài ven biển. Ông và cha gác mái, treo lưới sớm hơn mọi năm. Tôi hỏi má đang gom rác góc sân, bà cười: “Lấy mai sớm, kẻo mưa về…”. Tôi lại đứng bên hàng mai con cao gần khuỷu gối lúc trời còn mờ sương để nhìn theo cha và ông đang cui cúi người vượt từng trảng cát đi về phía núi, vết chân của cha soải rộng trên cát bên cạnh dấu chân của ông cứ mờ dần, mờ dần…Và tôi đang chờ một cái tết sắp đến sẽ rực rỡ hoàng mai, tưng bừng sắc vàng cả xóm. Nhưng điều khủng khiếp đã ập đến vì chỉ ngày hôm sau, trời vừa sáng bảnh mắt đã ầm ì tiếng động cơ, tiếng xích xe tăng, tiếng trực thăng chao cánh quần đảo và rầm rập gót giày trận của đủ sắc lính đổ qua làng, hướng thẳng đến bãi Môn, mũi Cạnh. Má ôm tôi lo thắt ruột, nước mắt ngắn dài. Tôi và lũ bạn đầu trần, chân đất nháo nhác nhìn biển xanh, gió lộng, nắng vàng bên hiên nhà nhưng phía xa kia, dưới chân Đá Bia là ầm ầm đạn nổ, bốc khói bời bời.

Khuya. Ông và cha về, rũ rượi lẫn trong lo lắng. Chiếc áo cha mặc không đọng những vệt mủ của nhựa mai như mọi lần, không có những bó mai buộc chặt bằng dây mây rừng, không có cả chiếc rựa và bị cói căng phồng như ngày ông và cha vào núi, mà chiếc áo cha mặc lại phảng phất mùi diêm sinh, vương vài dấu máu đã sẫm màu. Trong ánh đèn tù mù vặn nhỏ cùng tiếng gió đi qua mái tôn kéo theo bụi cát rào rào, ông bảo nhỏ với má: “Lộ rồi, nhưng đưa hàng lên kịp”, tiếng cha thì thầm: “Anh em vào sâu trong rừng, yên tâm”. Hôm sau, tôi khóc vì không có áo mới, không có hoàng mai, không có món ăn tưng bừng. Và lại kinh hoàng vì đầu tiên trong đời tôi trông thấy cảnh càn quét, cảnh bom rơi đạn nổ, chà đi xát lại với máu vung vãi, lung linh màu đỏ giữa biển xanh, gió lộng, sóng rì rào. Năm năm sau ngày gia đình tản cư rời làng, nhường lại nơi ấy thành một vùng trắng, tôi mới biết ông và cha đi gặp những người trên tàu không số vào Vũng Rô và sẵn mang về bó mai rừng để che mắt mọi người. Và cũng  năm năm kế tiếp, lúc rời làng ông mang theo hai cây hoàng mai, nó đã lớn thì ông lại già, khi tôi không còn ước ao mỗi lúc xuân về, có một Mai hoa trang của tôi tưng bừng sắc hoa vì năm khủng khiếp ấy, cuộc chiến đã kéo người dân ra đi xa vùng sóng vỗ quanh năm trên triền cát trắng.

Năm tháng sau này, về phố. Biết tính ông nên mỗi dịp tết đến cha tôi lại rong ruổi kiếm tìm những nhánh mai rừng năm cánh. Nhưng loại hoàng mai ngày cũ thì không thể vì nơi ấy, ken đặc lô cốt, bãi mìn. Ông im lặng chăm sóc cặp mai mang theo từ nơi quê cũ. Cây ra hoa đợt đầu tiên, ông ngồi nín lặng, lưng đã gù đi. Cha tôi ngồi cạnh đặt vào tay ông tách trà. Ông run rẩy, miệng lẩm bẩm về một rừng mai heo hút có những chiếc tàu không số cặp bến vào những ngày cuối năm. Mắt ông nhìn về một điểm, điểm ấy là cánh hoàng mai vừa nở nụ khoe sắc với tiết trời se lạnh. Hè đến, mùa gió thổi về xào xạc, gió dọc ngang trên phố nhưng không dữ dội ngang tàng phóng túng như thời ở làng chài chỉ có gió và cát trong biển xanh sóng vỗ chập chùng thì ông mất. Sau ngày đưa ông đi, hai cây hoàng mai rũ lá, khô gốc. Nó từng để lại vài hạt và chỉ ươm mầm đúng mỗi một cây. Cây hoàng mai ấy, cha tôi cẩn thận chăm sóc để đợi những mùa xuân sau cùng của mình, mùa xuân của thời bình không tiếng súng nhưng với tôi, ước ao tạo lập khu vườn Mai hoa trang ngày cũ đã xa vời vợi.

Cha tôi đã già, vần xoay vũ trụ đang rụng dần từng tờ lịch mà đếm thời gian cho năm tháng trôi qua. Cha không hề nhắc gì của hoài niệm nhưng tôi biết, hoài niệm vẫn mang nặng trong lòng ông. Khi bốn mươi năm trước và cũng chỉ mới đây thôi, Đài truyền hình đưa tin cuộc gặp mặt những người từng tham gia đoàn tàu không số, cha vẫn im lặng. Chú Tư, người bạn duy nhất nhà bên kia sông, người đã cùng cha làm cách mạng bằng việc tham gia bốc hàng trên tàu không số những năm ấy, lâu lâu lại ghé nhỏ to chuyện trò.

Gần đến giao thừa, nhà cửa tinh tươm, tôi lại ngồi bên cha. Cây hoàng mai đã chớm nụ vàng bên bàn thờ ông đang toả hương. Tôi đặt nhẹ tách trà trước mặt cha, vẫn biết như bao lần, cha luôn im lặng hướng mắt về bức tường xanh màu nước biển như kiếm tìm chút rêu phong còn lại. Tôi định hỏi về chú Tư chiều nay ghé nhà mang theo chiếc hộp giấy nhưng thấy không tiện.
-Bốn mươi năm đi qua rồi đó con…

Tôi ngước nhìn cha định góp lời nhưng ông lại im lặng nhìn về một điểm để tôi nhìn theo hướng ấy mà sững người thảng thốt. Phía trên bàn thờ ông, phía ngọn cây hoàng mai có đoá hoa vừa nở nụ vàng rực xoè ra năm cánh tinh khôi, giữa màu vàng của năm cánh ấy là màu đỏ trải rộng của chùm đèn màu, vật của chú Tư mang đến đang chớp tắt, chớp tắt như ngọn hải đăng phía núi Đá Bia ngày cũ và lại toả đều một màu vàng năm cánh trên nền màu đỏ có bức tường màu xanh nước biển, lung linh lung linh gợn sóng huyền ảo.

Tôi nắm lấy tay cha khi ngoài phố, pháo hoa nơi công viên đã vút lên bầu trời se lạnh.

Truyện ngắn của Huỳnh Thạch Thảo

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thương nhớ hoàng mai