Để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa và nền hòa bình lâu dài cần những nỗ lực mạnh mẽ từ tất cả các bên, nhất là sự bình thường hóa quan hệ Bình Nhưỡng và Washington.
Bán đảo Triều Tiên đang chứng kiến một bước tiến mới khi hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên gặp gỡ lần thứ 3 trong năm nay giữa lúc không ít quan ngại xung quanh tiến trình cải thiện quan hệ Triều Tiên và Hàn Quốc.
Tân Hoa xã ngày 18.9 đã có bài bình luận trên nhiều khía cạnh xung quanh sự kiện này.
Lần này, hội nghị thượng đỉnh không diễn ra tại làng đình chiến Panmunjom như hai lần trước đó mà diễn ra tại Thủ đô Bình Nhưỡng, một sự thay đổi cho thấy niềm tin song phương đang ngày càng được cải thiện.
Thay đổi này đã vượt xa những hành động mang tính biểu tượng và phản ánh sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai nhà lãnh đạo đều chung một mục đích thiết lập nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.
Và sự xuất hiện của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại sân bay Sunan, Bình Nhưỡng để đón Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in càng tô đậm thêm ý nghĩa của cuộc gặp lần này cũng như sự tin tưởng giữa hai nhà lãnh đạo.
Dù không có chương trình nghị sự chi tiết nào được công bố nhưng theo kế hoạch, Tổng thống Moon tới Bình Nhưỡng với hai mục tiêu chính. Một là tiếp tục phát triển mối quan hệ liên Triều và hai là giải tỏa thế bế tắc trong đàm phán phi hạt nhân hóa Bán đảo Tiều Tiên giữa Bình Nhưỡng và Washington. Về quan hệ liên Triều, một yếu tố quan trọng phản ánh ngay trong thành phần đoàn tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc là đoàn không chỉ bao gồm những quan chức và chính trị gia cấp cao mà có cả sự hiện diện của những nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Điều này thể hiện rõ Hàn Quốc muốn tiếp nối những cuộc đàm phán trước đó giữa hai bên trong lĩnh vực kinh tế và điều này hoàn toàn cộng hưởng với quyết định hồi tháng 4 vừa qua của Bình Nhưỡng nhằm triển khai những dự án xây dựng kinh tế chiến lược.
Vài ngày trước thềm hội nghị, hai miền Triều Tiên đã khai trương Văn phòng liên lạc chung tại thành phố Keasong, khởi đầu cho kênh liên lạc 24/24 được đánh giá như "cái nôi tạo nên thịnh vượng chung" trên bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc cũng đã thông qua kế hoạch cấp khoảng 122,8 tỷ won (109,5 tỷ USD) bồi thường cho các công ty chịu thiệt hại vì những biện pháp của chính phủ nhằm hạn chế trao đổi thương mại với Triều Tiên.
Để thể hiện thiện chí, Bình Nhưỡng cũng đã trịnh trọng dành một phần riêng trong chương trình kỷ niệm 70 năm quốc khánh Triều Tiên để giới thiệu về tuyên bố chung cũng như những hình ảnh về cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử hai miền diễn ra hồi tháng Tư. Triều Tiên cũng đã kiềm chế hơn khi chỉ diễu binh với những vũ khí truyền thống.
Qua những diễn biến trên, sẽ là không quá khi nói rằng Bán đảo Triều Tiên đã thoát khỏi bờ vực chiến tranh. Những nỗ lực của hai miền Triều Tiên trong thời gian qua nhằm giảm thiểu căng thẳng hoàn toàn đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa và nền hòa bình lâu dài cần những nỗ lực mạnh mẽ từ tất cả các bên liên quan và một trong những yếu tố then chốt nằm ở sự bình thường hóa quan hệ Bình Nhưỡng và Washington.
Việc đàm phán Mỹ-Triều rơi vào bế tắc sau cuộc gặp thượng đỉnh song phương tại Singapore hồi tháng Sáu vừa qua đã khiến cả thế giới lo ngại liệu Tổng thống Donald Trump có quá lời khi ca ngợi cuộc gặp và nói về một kết quả mang tính đột phá.
Như một động thái nhằm phản đối sự bế tắc này, Washington đã hủy chuyến thăm hồi tháng Tám của Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng chỉ một ngày sau khi công bố chính thức về lịch trình chuyến thăm.
Không nhìn nhận những vấn đề gây ra bởi cách tiếp cận "cứng nhắc" của mình, Washington trong vài tuần gần đây chủ yếu là đổ lỗi cho các bên còn lại đã gây ra cản trở trong tiến trình đàm phán hạt nhân Triều Tiên.
Để phá vỡ thế bế tắc hiện tại, Mỹ cần phải nhìn thực chất bên trong vấn đề thay vì chỉ nhìn những vấn đề bề ngoài, đồng thời cân nhắc lại về cách tiếp cận vấn đề thay vì đổ lỗi cho các bên còn lại một cách vô cớ.
Theo TTXVN