Thương con không đồng đều

18/07/2016 10:07

Chị sinh được hai thằng con trai, cách nhau 2 năm. Thấy thằng út có phần giống tính cách của mình nhiều hơn nên chị thương nó hơn thằng lớn.



Có thể đây không phải là trường hợp hiếm trong xã hội. Cũng rất nhiều ông bố, bà mẹ vì thấy con có tính cách hay gương mặt giống mình thì lại thương nhiều hơn những đứa còn lại. Vì thế mà chị tự an ủi mình rằng: “Không sao đâu. Tình cảm làm sao mà đong đếm, san sẻ cho bằng chằn chặn được”. Chính vì cái tư duy thiển cận đó mà tình cảm mẹ con giữa chị và thằng lớn ngày càng xa cách. Dù chị không nói ra nhưng với một đứa trẻ điềm tĩnh, suy nghĩ sâu sắc như thằng lớn thì nó hiểu được mẹ mình thương ai nhiều hơn.

Thử nghĩ, nhà có hai cậu con trai mà khi đi chợ, chị lại chỉ hỏi thằng út thích ăn gì. Trong khi thằng lớn ngồi cạnh đấy mà chị không thèm hỏi qua ý con. Và tất nhiên, khi đi chợ về, chị mua quà mà thằng út thích, lại nhiều nữa cơ chứ. Trong khi thằng lớn thường được những thứ không mong muốn. Thằng lớn đạt học sinh giỏi, về nhà khoe với mẹ, chị chỉ ậm ừ cho qua. Còn thằng út, chỉ được 10 điểm thôi, chị đã mừng như trúng số.

Chính vì sự yêu thương chênh lệch nên chẳng những tình mẫu tử mà cả tình anh em cũng dần dần rời rạc, không khăng khít như xưa. Biết mình được mẹ yêu thương nhiều hơn nên thằng út không tôn trọng anh mình. Cậu thường muốn qua mặt anh trai, cãi lời, giận hờn, dọa mách mẹ... Thậm chí có nhiều lần cậu út còn nói xấu anh trước mặt mẹ. Khi con cái tranh luận, cãi nhau, nói xấu về nhau, lẽ ra chị cần khuyên nhủ, giảng hòa, tìm hiểu nguồn cơn. Đằng này chị đã vội tin con út mà la rầy con lớn. Dù chị chưa nạt nộ, đánh con nhưng sự thể hiện thiên vị lộ liễu như thế dễ làm trẻ bị tổn thương.
Chồng chị thấy thế nên khuyên: “Em hãy là người mẹ công bằng với các con chứ”, nhưng chị vẫn cố thản nhiên nói: “Đứa nào em chẳng thương! Anh nghĩ đi đâu vậy? Chẳng lẽ máu mủ do em dứt ruột đẻ ra mà lại ghét bỏ sao?”. Chồng chị không nói suông. Anh đưa ra nhiều bằng chứng về cách đối xử giữa hai con để chị không cãi chầy cãi cối. Nhưng nào ngờ chị vẫn có cách biện minh: “Nó là anh thì phải nhường em chứ! Gia đình nào mà không như vậy. Vả lại thằng út thể chất yếu hơn anh mình, nên em quan tâm nó đặc biệt cũng là lẽ thường tình thôi”. Anh bó tay với cách nghĩ của vợ nên bỏ về phòng nằm. Dù vợ mình đối xử với thằng lớn không được tốt nhưng anh vẫn yêu thương con đồng đều, cố gắng dạy cho chúng hiểu giá trị của một gia đình hoàn hảo là thế nào. Trong đó tình anh em là tôn chỉ đặt lên hàng đầu. Nhưng khổ nỗi anh ít gần con. Những chuyến công tác xa nhà khiến sự giáo dục có phần lơi lỏng. Anh chỉ biết dạy con qua điện thoại với các cuộc trò chuyện ngắn ngủi.

Rồi có một ngày chị cũng nhận ra chân lý của một người mẹ hoàn hảo là như thế nào. Dù là phụ nữ nhưng chị vẫn thích bóng đá, nhất là những giải mang tính quốc tế như World Cup, EURO. Có lần chị đọc bản tin thể thao EURO 2016 trên báo mạng. Điều làm chị suy nghĩ rất lâu về dòng tin này là câu chuyện một người mẹ tên là Teresa đi cổ vũ cho hai cậu con trai mình đi đá bóng. Trớ trêu ở chỗ người em là Granit thi đấu cho đội tuyển Thụy Sĩ, trong khi anh trai mình là Taulant lại khoác áo cho đội tuyển Albania ở bảng A. Tại sao có điều đặc biệt như thế ở EURO 2016? Vốn dĩ cả hai cùng sinh ra ở Thụy Sĩ nhưng nguồn gốc gia đình là người Albania ở Kosovo. Vì vậy, cả hai anh em đều có đủ điều kiện để khoác áo đội tuyển cho cả Albania và Thụy Sĩ. Trong trường hợp này, các bà mẹ sẽ làm gì, cổ vũ cho người anh hay người em? Bà Teresa rất thông minh khi cổ vũ cho cả hai đội bóng. Nhưng trên hết, sự thông minh ấy cũng xuất phát từ tình yêu bao la, vĩ đại của một người mẹ thương con vô bờ bến, không thiên vị bất cứ đứa con nào. Với chiếc áo in hình nửa lá cờ Thụy Sĩ và nửa lá cờ Albania đã làm cho bà Teresa trở nên nổi bật trên khán đài qua ống kính của các phóng viên thể thao quốc tế.

Đọc hết bản tin, chị trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu. Dường như có một luồng thôi miên nào đó vô hình tác động khiến chị phải suy nghĩ về 13 năm làm mẹ của mình. Suốt quãng thời gian ấy chị đã bỏ qua quá nhiều cơ hội để thể hiện mình là một bà mẹ tuyệt vời. Chị chưa làm tròn vai của mình khi chưa thương yêu con đầy đủ, đồng đều. Chị còn quá kém cỏi so với bà Teresa. Ít ra là ở cách thiên hạ nhìn vào mình như thế nào. Khán giả coi bà Teresa là một người mẹ mẫu mực, chín chắn trong cách thể hiện tình yêu thương con của mình trước đám đông. Còn chị, hàng xóm đã nhiều lần bàn ra tán vào rằng chị phân biệt đối xử không tốt với đứa con lớn. Đó là chưa nói sự góp ý chân thành từ chồng chị. Giờ thì chị nhận ra mình cần thay đổi trong cách dạy con, yêu thương con. Chị tự nhủ: “Bắt đầu kể từ ngày hôm nay, mình sẽ yêu thương hai đứa trẻ đồng đều”. Dù rằng thời gian sẽ trả lời câu nói đó nhưng chí ít chị đã nhận ra khuyết điểm của mình.

ĐẶNG TRUNG THÀNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thương con không đồng đều