Kỳ vọng thương chiến Mỹ - Trung sớm kết thúc dường như đã tiêu tan khi cả hai nước vẫn còn nhiều khác biệt trong các cuộc đàm phán mang tính then chốt.
Dù Washington đã tỏ thiện chí bằng việc hoãn một đợt thuế mới hồi đầu tháng 10/2019, nhưng một đợt thuế khác đã được chuẩn bị vào ngày 15.12 tới với mục tiêu là 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, trong đó có những hàng hóa phục vụ mùa mua sắm cuối năm như hàng điện tử và đồ trang trí Giáng Sinh và Năm Mới. Không những thế, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn thẳng thừng tuyên bố thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung "Giai đoạn 1" đang rất gần, song ông không nóng lòng thực hiện.
Thỏa thuận “Giai đoạn 1” vẫn bỏ ngỏ
Theo giới chuyên gia, việc hoàn tất “Giai đoạn 1” thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung có thể kéo dài sang năm 2020 trong bối cảnh Trung Quốc gây áp lực để Mỹ rút bỏ thuế quan, còn chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đáp trả bằng những yêu sách mà phía Trung Quốc cảm thấy đầy góc cạnh.
Ngày 19.11, Tổng thống Trump tuyên bố rằng nếu không đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh, ông sẽ tăng thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc. Ông Trump và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer thừa nhận rằng nếu rút lại các biện pháp thuế quan để đổi lấy một thỏa thuận mà không giải quyết được những vấn đề cốt lõi như sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ thì đây sẽ không được coi là “một thỏa thuận tốt” đối với nước Mỹ.
Mỹ và Trung Quốc vẫn thảo luận việc gắn quy mô kế hoạch rút lại thuế quan với các điều khoản sơ bộ được đặt ra trong thỏa thuận đã thất bại hồi tháng 5. Trung Quốc trước đó yêu cầu Mỹ ngay lập tức rút lại toàn bộ các khoản thuế áp đặt sau tháng 5.2019 và có kế hoạch từng bước rút lại các khoản thuế còn lại.
Các khoản thuế đang được đưa ra thảo luận gồm cả khoản thuế ban đầu đánh vào số hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc mà chính quyền Tổng thống Trump tung ra hồi năm ngoái. Một số cố vấn của ông Trump đang tìm cách duy trì khoản thuế này trong dài hạn, để đảm bảo Trung Quốc tuân thủ triệt để các cam kết. Nhưng vẫn có ý kiến nghiêng về khả năng dỡ bỏ một phần thuế để tạo đà giúp hai bên tiến tới ký kết thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1".
Nền kinh tế hai nước nói riêng hay kinh tế thế giới nói chung đang có những dấu hiệu trì trệ rõ nét do ảnh hưởng từ các đòn thuế quan trả đũa của Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy các nhà đàm phán đang đối mặt với nhiều áp lực đòi hỏi ký kết một thỏa thuận, hoặc ít nhất là một vài nội dung trong đó. Tuy nhiên, với thực tế hàng nghìn sản phẩm liên đới với những cú “ăn miếng trả miếng” của hai bên suốt năm qua, Mỹ và Trung Quốc rõ ràng đang đứng trước nhiệm vụ khó khăn là phải cân nhắc và quyết định mặt hàng nào nằm trong danh sách được dỡ bỏ thuế quan.
Giới phân tích cho rằng thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1" chắc chắc sẽ hẹp hơn những gì Tổng thống Trump hứa hẹn trước đó bởi những vấn đề khúc mắc nhất trong tranh cãi thương mại song phương đều được các bên tạm gác lại cho những giai đoạn sau.
Mỹ áp thuế với số hàng hóa có tổng giá trị lên tới 360 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc và đe dọa sẽ đánh thuế bổ sung số hàng hóa trị giá khoảng 160 tỷ USD từ 15.12 tới. Ngay sau khi các cuộc đàm phán hồi tháng Năm thất bại và căng thẳng leo thang, Mỹ đã nâng thuế lên 25% đối với số hàng hóa nhập khẩu trị giá 250 tỷ USD từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nếu được hoàn tất, thỏa thuận "Giai đoạn 1" nhiều khả năng sẽ bao gồm việc dỡ bỏ các khoản thuế bắt đầu có hiệu lực từ tháng Chín vừa qua và khoản thuế bổ sung mà Chính quyền Tổng thống Trump dự kiến ban hành vào tháng 12 tới.
Gần đây Bộ Thương mại Trung Quốc đã bóng gió nói về mức độ thuế Mỹ có thể dỡ bỏ đối với hàng hóa nhập khẩu có liên quan tới tương lai thỏa thuận song phương. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong, nói: “Nếu Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận 'Giai đoạn 1', mức độ dỡ bỏ thuế quan sẽ phản ánh tầm quan trọng của thỏa thuận đó… Tầm quan trọng của thỏa thuận 'Giai đoạn 1' sẽ được hai bên cùng đánh giá và chúng tôi đang cùng nhau thảo luận kỹ lưỡng".
Khi hai bên nhất trí thúc đẩy một thỏa thuận có giới hạn hồi tháng Mười, nhiều người đã kỳ vọng vào một lễ ký kết khi lãnh đạo hai nước gặp mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Tuy nhiên, sau khi sự kiện này bị hoãn do bất ổn tại Chile (Chi-lê), nước đăng cai tổ chức, Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn chưa nhất trí về địa điểm và thời gian hoàn tất.
Cơ hội nào để khép lại thương chiến?
Các quan chức, giới lập pháp và các chuyên gia thương mại Mỹ và Trung Quốc nhận định hai nước ít có khả năng tiến tới được một thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 2” đầy tham vọng trong bối cảnh hai cường quốc hàng đầu thế giới này đang chật vật đạt được thỏa thuận " Giai đoạn 1”.
Trong một cuộc họp báo hồi tháng 10 với Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người dẫn đầu các đoàn đàm phán Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Trump nói rằng ông hy vọng sẽ sớm tiến tới đàm phán "Giai đoạn 2" một khi hoàn tất “Giai đoạn 1”. Theo ông Trump, "Giai đoạn 2" sẽ tập trung vào các khiếu nại chủ chốt của Mỹ cho rằng Trung Quốc đánh cắp bản quyền trí tuệ của Mỹ bằng cách ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối thủ Trung Quốc.
Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin quan chức nhận định việc Mỹ tiến hành bầu cử tổng thống vào tháng 11.2020, những khó khăn trong việc hoàn tất thỏa thuận "Giai đoạn 1", cùng với việc Nhà Trắng do dự trong hợp tác với các nước khác nhằm gây sức ép với Bắc Kinh đang làm tan vỡ những hy vọng về bất kỳ điều gì tham vọng hơn trong tương lai gần.
Các quan chức Bắc Kinh cho biết họ không có ý định ngồi vào bàn đàm phán về thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 2" trước cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, một phần vì họ muốn chờ xem ông Trump có tái đắc cử nhiệm kỳ 2 hay không. Một quan chức Trung Quốc nói: “Chính ông Trump là người muốn ký kết các thỏa thuận này chứ không phải chúng tôi. Chúng tôi có thể đợi”.
Trong khi đó, một quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump cho biết ưu tiên hàng đầu của nhà lãnh đạo Mỹ thời điểm hiện tại là công bố được thỏa thuận "Giai đoạn 1", bảo đảm Trung Quốc sẽ nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Mỹ trên quy mô lớn - "điểm cộng" cho ông Trump trong chiến dịch tranh cử sắp tới.
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng thương chiến kéo dài hơn 16 tháng qua giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này không chỉ làm giảm niềm tin của các doanh nghiệp đang phải dựa vào thị trường Trung Quốc để có hàng tỷ USD doanh thu mà còn làm gia tăng rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào tình trạng giảm tốc.
Theo TTXVN