Những thực phẩm có tác dụng phòng chống viêm bao gồm trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, protein có nguồn gốc thực vật (đậu và hạt các loại), cá béo, các loại thảo mộc và gia vị tươi.
Nên chọn dùng dầu ôliu vì là chất béo tốt có tác dụng ngăn chặn nguy cơ viêm
Nghiên cứu cho thấy các loại rau lá xanh giàu vitamin K như rau bina, bông cải xanh, bắp cải và cải xoăn có tác dụng giúp giảm viêm. Ngũ cốc nguyên hạt, bột yến mạch, gạo lứt, bánh mì nguyên cám cũng giúp giảm viêm (nhóm thực phẩm này vừa giàu chất xơ, chất chống ôxy hóa và các chất chống viêm). Các loại thảo mộc và gia vị như nghệ hay tỏi cũng có tác dụng chống viêm.
Dầu ôliu và quả bơ là những nguồn chất béo tốt, chất béo lành mạnh này có tác dụng ngăn chặn nguy cơ viêm. Nên ăn ít nhất 2 lần cá trong tuần; cá hồi, cá ngừ và cá mòi đều có nhiều axít béo omega-3… có tác dụng chống viêm.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo cần tránh hay hạn chế dùng những thực phẩm sau đây để tránh nguy cơ viêm. Đầu tiên là nhóm kẹo, bánh ngọt, nước ngọt, nhóm thực phẩm này không chứa nhiều chất dinh dưỡng nếu ăn quá nhiều, có thể dẫn đến tăng cân, lượng đường trong máu cao và cholesterol cao (tất cả đều gây viêm).
Hạn chế dùng thịt đỏ chế biến sẵn (chẳng hạn như xúc xích) vì có nhiều chất béo bão hòa, có thể gây viêm nếu ăn quá nhiều mỗi ngày. Các thực phẩm như bơ, sữa nguyên chất và phô mai cũng nên dùng hạn chế, tốt nhất là thay thế bằng các sản phẩm từ sữa ít béo.
Khoai tây chiên, gà rán và các loại thực phẩm chiên khác (kể cả khi chiên bằng dầu thực vật, vẫn không tốt cho sức khỏe); những loại thực phẩm có chất béo chuyển hóa (trans fat) - trên nhãn sản phẩm thường ghi là "dầu hydro hóa một phần" - cần hạn chế hoặc không dùng vì làm tăng cholesterol LDL, gây viêm.
Theo Người lao động