Trong 2 ngày 29 và 30-9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9-2014.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ tinh thần chung là phải phấn đấu quyết liệt trên cơ sở các nghị quyết, chủ trương đã có; phát huy những kết quả đạt được, ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; năng động, sáng tạo, sâu sát với mục tiêu những gì đã đề ra từ đầu năm phải đạt cao nhất, nhất là mục tiêu tăng trưởng 5,8%.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phải phấn đấu cao nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,8%
Chỉ đạo những nhiệm vụ cụ thể về kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cần khắc phục những mặt chưa vững chắc, trong đó có việc nợ công tăng nhanh. Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá lại toàn bộ nợ công, cụ thể thế nào, khả năng trả nợ ra sao, đề xuất giải pháp xử lý nợ công, cùng với đó là quyết liệt hơn nữa trong xử lý nợ xấu trên tinh thần không sử dụng ngân sách nhà nước vào xử lý nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước tăng cường chỉ đạo các ngân hàng thương mại có biện pháp phù hợp xử lý hiệu quả các khoản nợ xấu, tham gia cùng doanh nghiệp trong xử lý nợ xấu. Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục quan tâm tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế theo mục tiêu kế hoạch, song tăng dư nợ tín dụng phải đi liền với chất lượng tín dụng để góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng tổng cầu. “Không khéo chúng ta sốt ruột đẩy tăng tín dụng lại đồng nghĩa với tăng nợ xấu, chất lượng tín dụng phải bảo đảm”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý. Nhấn mạnh lãi suất giảm như hiện tại là tốt, tỷ giá ổn định, thị trường vàng quản lý như vậy là tốt... song Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý, theo tín hiệu thị trường, theo kết quả kiềm chế lạm phát đạt được, việc điều hành lãi suất thế nào để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước phải xem xét tích cực việc này.
Liên quan đến sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Sản xuất kinh doanh là cái gốc, cái nền ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện thuận lợi cơ bản để phục hồi, khôi phục phát triển sản xuất, kinh doanh, chúng ta đã làm được cái nền cơ bản này; từ nay đến cuối năm và năm tới, cố gắng tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh qua đó để có tăng trưởng; sản xuất kinh doanh bao gồm cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch...”. Thủ tướng nhấn mạnh, phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để thu hút đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh bởi muốn tăng trưởng thì phải đầu tư, xây dựng các cơ chế, chính sách thuận lợi để thu hút đầu tư; khuyến khích tối đa, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư vào công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, cơ sở hạ tầng… Hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp về đầu tư ở khu vực nông thôn, qua đó góp phần nâng cao thu nhập, chuyển dịch lao động theo theo hướng ly nông nhưng không ly hương. Cần tiếp tục quan tâm đến hoạt động xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; xúc tiến mạnh các hoạt động thương mại để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, thế mạnh của Việt Nam sang các thị trường tiềm năng còn lớn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các trọng tâm tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; các đột phá chiến lược, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững... “Chúng ta nói đến nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh mà năng suất lao động thế này thì nói lên nhiều chuyện quá. Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 61% mức lao động bình quân của các nước ASEAN, chỉ cao hơn Mi-an-ma và Cam-pu-chia", Thủ tướng nói. Thủ tướng giao Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng thể vấn đề năng suất lao động, phân tích đánh giá của các tổ chức quốc tế, từ đó đưa ra các giải pháp tổng thể để cải thiện và nâng cao năng suất lao động.
Đề cập các nhiệm vụ an sinh xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho người lao động, cố gắng cao nhất để đạt mục tiêu giải quyết việc làm cho 1,6 triệu lao động trong năm 2014 (hiện đã giải quyết việc làm được cho trên 1,5 triệu lao động); giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững; chú trọng phát triển y tế, văn hóa, giáo dục... Lĩnh vực y tế cần đặc biệt quan tâm thực hiện tốt 3 nhiệm vụ là giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện, bảo hiểm y tế, phòng chống dịch bệnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương không ngừng củng cố tiềm lực an ninh - quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động phòng ngừa trấn áp các loại hình tội phạm. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động cung cấp thông tin cho báo chí về mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, qua đó định hướng dư luận, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra cho năm 2014.
TTXVN