Thực hiện quy hoạch vùng tỉnh - Vẫn khó ở cấp huyện

23/06/2013 08:48

Đề án quy hoạch nâng hạng đô thị TP Hải Dương từ loại 2 lên loại 1 cũng đã được khởi động nhưng quá trình triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc...



Các phường ở thị xã Chí Linh đang gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý và thực hiện
quy hoạch chi tiết. Trong ảnh: Đo đạc mở rộng đường. Ảnh: Thành Chung


Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, tỉnh ta đã quan tâm chỉ đạo và tập trung đầu tư cho công tác quy hoạch, bao gồm cả quy hoạch vùng, quy hoạch mạng lưới đô thị, các khu đô thị, các khu công nghiệp và các điểm dân cư nông thôn.  Đến nay, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hải Dương đã cơ bản hoàn thành. Đây là đề án quy hoạch lớn có tính định hướng về không gian phát triển đô thị, công nghiệp, các công trình đầu mối... gắn với quy hoạch phát triển chung của các địa phương, vùng lân cận. Đề án quy hoạch nâng hạng đô thị TP Hải Dương từ loại 2 lên loại 1 cũng đã được khởi động, sẽ là cơ hội cho những bước phát triển mang tính đột phá trong những năm tới. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các đề án lập quy hoạch đô thị và nông thôn vẫn còn nhiều điểm vướng mắc.

Khó khăn do vẫn phải chờ phê duyệt  

Do được phê duyệt chậm, ngày 25-4 vừa qua, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất của tỉnh giai đoạn 2011-2015 mới được công bố. Đối với cấp huyện công việc này vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện và chờ phê duyệt. Quy hoạch chung của một số thị trấn như: Thanh Miện, Sặt (Bình Giang), Gia Lộc... đã được duyệt hàng năm nay nhưng chưa thể xây dựng quy hoạch chi tiết. Những khó khăn để thực hiện và quản lý quy hoạch xây dựng hầu như đều bắt nguồn từ việc chưa có quy hoạch phân khu. Theo đại diện của Sở Xây dựng, những đồ án quy hoạch phân khu này hiện mới đang chuẩn bị trình tỉnh phê duyệt. Mặc dù được phân cấp, nhưng lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng một số huyện cho biết, do chưa được phê duyệt bản đồ phân vùng, phân cấp quy hoạch nên dự án nào cấp huyện cũng phải "xin" các ngành chức năng thẩm định và cấp có thẩm quyền phê duyệt phạm vi ranh giới... Đây là một trong những nguyên nhân làm nhiều đồ án rơi vào thụ động, thành quy hoạch "treo".

Theo đồng chí Lê Văn Hiệu, Bí thư Huyện ủy Nam Sách, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 26 được cụ thể hóa bằng 5 chương trình và 18 đề án. Tuy nhiên, việc chưa có quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 là một khó khăn trong thực hiện các chương trình, đề án ở huyện. Chẳng hạn, việc mở rộng và nâng cao hiệu quả vùng chuyên canh có giá trị kinh tế cao, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, nhân rộng các mô hình sản xuất điển hình ở huyện được triển khai từ đầu năm 2011. Nhưng đến nay, nhiều xã như Quốc Tuấn, Hiệp Cát, An Sơn, An Bình, Cộng Hòa, An Lâm... chưa quy hoạch hoặc chưa bảo đảm diện tích vùng. Kinh tế trang trại còn ít dự án mới, hiệu quả cũng chưa cao...  Đã có quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh với phân cấp cụ thể cùng quy hoạch diện tích gieo cấy lúa để bảo đảm an ninh lương thực... nhưng sắp tới, việc thực hiện ở cấp huyện sẽ còn khó khăn do việc sử dụng đất lúa để thực hiện các dự án đều phải báo cáo Chính phủ (Nghị định 42/2012/NĐ-CP ngày 11-5-2012 về quản lý, sử dụng đất lúa).

Tại thị xã Chí Linh, vấn đề thiếu quy hoạch cũng đang trở thành "rào cản". Là một đô thị mới được nâng cấp, hằng năm trên địa bàn luôn có hàng chục dự án xây dựng lớn. Tuy nhiên, thị xã đang rất khó khăn trong công tác quản lý và thực hiện quy hoạch chi tiết 1/500 của các phường (hầu hết mới được phê duyệt), do chưa có quy hoạch chung 1/2000. Còn theo lãnh đạo một số huyện khác, nhiều tuyến đường mới mở chưa rõ quy hoạch chi tiết hai bên đường, gây khó khăn cho các hộ dân có nhu cầu cải tạo chỉnh trang xây dựng mới nhà ở. Chưa kể đến việc thiếu quy hoạch phân khu, không có mốc giới nên nhiều dự án trên địa bàn còn chồng lấn nhau. Mặt khác, do trước đây các dự án đô thị được phê duyệt riêng lẻ, không có sự khớp nối hạ tầng với nhau và khu dân cư, khiến hệ thống tiêu thoát nước của nhiều khu vực, đô thị bị phá vỡ. Quản lý quy hoạch chung còn khó do các chủ đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn nhiều huyện đang kéo dài quá trình đầu tư xây dựng. Điều này gây không ít khó khăn trong việc quản lý, duy trì hệ thống hạ tầng, nhất là tạo ra sự "khấp khểnh" giữa khu đô thị mới với các khu dân cư cũ. Nhiều khu đô thị triển khai chậm, để dân tái lấn chiếm; không ít tuyến đường, hạ tầng qua nhiều năm vẫn chưa khớp nối... cấp huyện đang phải tìm cách tháo gỡ bằng hoàn thiện, bổ sung quy hoạch tổng thể.

Cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện

Theo đồng chí Nguyễn Văn Thọ, Giám đốc Sở Xây dựng, các ngành chức năng liên quan và cấp có thẩm quyền cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đồ án quy hoạch phân khu, bản đồ phân vùng, phân cấp. Cùng với đó, các cấp chính quyền cơ sở cần tích cực hơn trong quản lý nhà nước với các quy hoạch đã được phê duyệt; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là các dự án đang trong quá trình thực hiện, bảo đảm đúng quy hoạch, tiến độ. Trong đó, nên chú ý đến đề nghị điều chỉnh cục bộ của chủ đầu tư, tránh tạo ra kẽ hở để biến đất dành cho hạ tầng, cho an sinh xã hội thành đất phân lô làm nhà ở... Hơn nữa, tỉnh nên có quy định cụ thể, chặt chẽ nhằm hạn chế tối đa hoặc không điều chỉnh quy hoạch cục bộ các khu đô thị mới đã được phê duyệt. Trên cơ sở kiến nghị của các địa phương và giải trình của các ngành chức năng, cần phải phân cấp cho cấp huyện mạnh hơn nữa trong việc lập, thẩm định quy hoạch. Đồng thời, tạo điều kiện để địa phương thực hiện nhiệm vụ đã được phân cấp... Về phía các địa phương cũng cần chủ động thực hiện trách nhiệm trong thẩm quyền cho phép, phối hợp giám sát việc thực hiện các quy hoạch, dự án cấp tỉnh. Tăng cường triển khai và quản lý chặt chẽ việc thực hiện các quy hoạch chi tiết 1/500, quy hoạch chức năng tại các khu đô thị mới. Tạo điều kiện để chính quyền cơ sở và nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện quy hoạch bằng nhiều hình thức.

Để tạo điều kiện cho các địa phương phát triển các vùng sản xuất hàng hóa, tỉnh cần sớm có hướng dẫn cụ thể sử dụng đất chuyển đổi mô hình canh tác theo mô hình "cánh đồng mẫu lớn" và kinh tế trang trại. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất. Cùng với đó, có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến. Ngành nông nghiệp cần khẩn trương tháo gỡ khó khăn, thực hiện quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao.

THÀNH LONG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thực hiện quy hoạch vùng tỉnh - Vẫn khó ở cấp huyện