Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở: Nơi tăng tốc, chỗ gặp khó

30/06/2021 08:46

Nhiều địa phương đã tăng tốc hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở, đem lại hiệu quả thiết thực, nhưng cũng có nơi lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.


Trong đợt dịch Covid-19 lần 3, cấp ủy, chính quyền xã Đức Chính Cẩm Giàng) đã chủ động và phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tiêu thụ nông sản 

Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở trong tỉnh được tiến hành từ tháng 4 đến tháng 6.2020 (trừ Đại hội điểm Đảng bộ cấp cơ sở ở xã Thái Tân được tổ chức vào đầu tháng 3.2020). Sau 1 năm và hơn 1 năm thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở, ở nhiều địa phương, nhiều công trình trọng điểm đã hoàn thành, nhưng cũng còn một số nơi việc hiện thực hóa nghị quyết gặp khó khăn.

Triển khai nhanh chóng

Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Thái Tân lần thứ 29 xác định 5 đề án, 1 chương trình và 7 công trình trọng điểm. Đảng ủy xã đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và trở thành đô thị loại V. Nhờ sự quan tâm của tỉnh, huyện và sự chủ động nguồn lực nên mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của Thái Tân nhiều khả năng hoàn thành sớm. Thái Tân đang thi công nhà lớp học 2 tầng 6 phòng học, nhà ăn bán trú và nhà đa năng của Trường Tiểu học xã để hoàn thành nốt tiêu chí cuối cùng về đích nông thôn mới nâng cao. Theo ông Hoàng Ngọc Hưởng, Bí thư Đảng ủy xã Thái Tân, dự kiến đầu năm 2022, xã đủ điều kiện được công nhận nông thôn mới nâng cao, sớm hơn 3 năm so với mục tiêu đề ra.

Vừa qua, xã Thái Tân cũng đã hoàn thành xây dựng bãi chôn lấp rác thải tập trung với kinh phí trên 1 tỷ đồng, thành lập tổ thu gom rác thải của xã. Công trình hệ thống tưới tiết kiệm ở vùng rau màu ngoài đê với tổng kinh phí 12 tỷ đồng, dự kiến vận hành trong tháng 7.2021. Trên 1 km đường trục đông-tây huyện Nam Sách qua xã (huyện giao xã làm chủ đầu tư với kinh phí 17 tỷ đồng) cũng được xã chủ động chuẩn bị nguồn lực, nay đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đang làm nền đường. "Cùng với nguồn lực từ ngân sách, xã cũng tích cực vận động xã hội hóa để xây dựng nông thôn mới với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng. Một công trình trọng điểm nhiệm kỳ này là mở rộng và nâng cấp kỳ đài nghĩa trang liệt sĩ cũng sẽ được đầu tư chủ yếu từ nguồn xã hội hóa", ông Hoàng Ngọc Hưởng cho biết thêm.

Đến nay, xã Đức Chính (Cẩm Giàng) đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Từ sau Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025, nhiều công trình trọng điểm đã nhanh chóng được triển khai thực hiện. Một số công trình đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành là mở rộng đường trục chính ra cánh đồng; hệ thống tưới tiêu công nghệ cao vùng chuyên canh rau màu; sân thể thao thôn Đan Tràng. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 lần 3, khi việc vận chuyển tiêu thụ cà rốt gặp khó khăn, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ động và phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan của tỉnh thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn. Ông Vương Đức Dũng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Nhờ tỉnh, huyện quan tâm, hỗ trợ và sự chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát của Ban Thường vụ Đảng ủy xã nên địa phương đã hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh đến việc triển khai, thực hiện nghị quyết. 6 tháng đầu năm nay, xã đã hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đề ra. Các đề án, công trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã cũng cơ bản bảo đảm tiến độ".


Xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) vừa khởi công xây dựng điểm Trường THCS để hoàn thành tiêu chí nông thôn mới

Khó trăm bề vì thiếu nguồn lực

Toàn tỉnh hiện còn 7 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới là: Đông Xuyên, Kiến Quốc, Vạn Phúc (Ninh Giang), Đại Sơn, Chí Minh, Phượng Kỳ, Tiên Động (Tứ Kỳ). Các xã này chưa về đích nông thôn mới chủ yếu do chưa đạt tiêu chí về cơ sở vật chất trường học và cơ sở vật chất văn hóa, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các xã trên đều đặt mục tiêu sẽ đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2021 nhưng thực tế cho thấy việc hiện thực hóa nghị quyết gặp nhiều khó khăn.

Các địa phương này đều là những xã khó khăn của tỉnh, nguồn lực hạn chế. Xã Đại Sơn vừa khởi công xây dựng các công trình để hoàn thiện tiêu chí về cơ sở vật chất trường học với tổng kinh phí khoảng 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngoài 2 tỷ đồng huyện Tứ Kỳ hỗ trợ và 5 tỷ đồng tỉnh dự kiến hỗ trợ thì địa phương vẫn đang trông chờ vào nguồn thu từ gần 1 ha đất khu dân cư mới chuẩn bị đấu giá. Trong khi đó, xã vẫn còn nợ công khoảng 30 tỷ đồng khi xây dựng nông thôn mới ở xã Kỳ Sơn cũ.  

Tương tự, xã Chí Minh cũng đang đầu tư xây dựng Trường THCS đạt chuẩn quốc gia để về đích nông thôn mới với tổng kinh phí 20 tỷ đồng. Ngoài nguồn được tỉnh, huyện hỗ trợ thì xã mới đang quy hoạch khu dân cư mới để đấu giá đất tạo nguồn. Trong khi đó, xã cũng đang nợ xây dựng cơ bản gần 20 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Thế Đậu, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chí Minh, vì thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã Đông Kỳ, Tây Kỳ và Tứ Xuyên nên việc nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông giữa các địa phương, tạo thuận lợi cho người dân đi lại rất cấp thiết. Không chỉ khó khăn về nguồn lực mà việc sắp xếp cán bộ dôi dư sau sáp nhập tại Chí Minh cũng rất nan giản. Địa phương hiện có 42 cán bộ, công chức và theo quy định đến năm 2025 phải giảm tới 21 người. Chỉ riêng vị trí công chức văn hóa-thông tin hiện có tới 5 người cùng làm việc...

Tìm hiểu ở các địa phương khác, những đợt dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc học tập, quán triệt, triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Ở những xã khó khăn, thu ngân sách hằng năm chỉ trên 100 triệu đồng. Trong bối cảnh quỹ đất và nguồn thu từ tiền sử dụng đất ngày càng hạn hẹp thì việc có nguồn lực thực hiện các đề án, công trình trọng điểm trong nhiệm kỳ rất nan giải.

HOÀNG BIÊN


Đề ra lộ trình thực hiện ngay từ năm đầu của nhiệm kỳ

Để nghị quyết nhanh đi vào cuộc sống và bảo đảm chất lượng, các cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu cần nêu cao vai trò, trách nhiệm trong quán triệt, học tập và tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết. Đội ngũ báo cáo viên được lựa chọn có năng lực, nghiệp vụ tốt để truyền tải nghị quyết, liên hệ, gợi mở, khích lệ mỗi cán bộ, đảng viên và người dân hành động. Công tác tuyên truyền cần đẩy mạnh với nhiều hình thức để tạo khí thế, lan tỏa những cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện nghị quyết.

Mỗi cán bộ, đảng viên cần khắc phục khó khăn, tích cực thực hiện chương trình hành động, các đề án để thực hiện nghị quyết. Coi trọng việc cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết, đề ra lộ trình thực hiện ngay từ năm đầu của nhiệm kỳ; phân công các đồng chí thường vụ, cấp uỷ phụ trách, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công việc. Ưu tiên các nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ đột phá, công trình trọng điểm...

NGUYỄN TIẾN HOAN
Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Sách


Chi bộ bám sát các công trình trọng điểm của địa phương

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, xã Kim Anh có 10đề án, trong đó một số đề án tiếp tục triển khai từ nhiệm kỳ trước và 4 công trình trọng điểm. Địa phương đã nghiêm túc quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đến toàn thể cán bộ, đảng viên, Ban Chấp hành các tổ chức chính trị - xã hội. Cùng với đó, Đảng ủy xã chỉ đạo các ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể phổ biến nội dung cơ bản của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; yêu cầu các chi bộ, thôn bám sát các đề án, công trình trọng điểm của địa phương... Cuối năm 2020, xã đã đạt 18 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, 3 trong tổng số 4 công trình trọng điểm đang được triển khai thực hiện...

Từ kết quả đạt được của địa phương, tôi cho rằng để Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhanh chóng đi vào cuộc sống, cấp ủy, chính quyền các cấp phải có sự đồng lòng, thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo; có giải pháp cụ thể trong triển khai từng đề án, công trình trọng điểm; ưu tiên công trình nào làm trước, công trình nào làm sau. Phải bố trí được nguồn vốn, có nguồn lực thì công việc mới không bị đình trệ, gián đoạn. Đặc biệt, phải lấy con người làm trung tâm, quyết định mọi công việc để đào tạo, bồi dưỡng, giao nhiệm vụ, gắn trách nhiệm cụ thể.

ĐOÀN VĂN TOÁN
Bí thư Đảng ủy xã Kim Anh (Kim Thành)


Quan tâm thu hút đầu tư ở các địa phương khó khăn

Với nguồn lực đất đai và số thu ngân sách hạn chế nên việc tiếp tục đầu tư phát triển, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới ở xã Kiến Quốc gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi mong muốn tỉnh, huyện sẽ quan tâm thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư và ưu tiên bố trí nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện các dự án thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn khó khăn.

Xã rất mong muốn các dự án đường trục Đông-Tây, đường liên huyện Kiến Quốc-Đông Xuyên đi qua địa bàn... sớm được triển khai xây dựng. Khi các dự án, công trình trên hoàn thành, đưa vào khai thác chắc chắn sẽ tạo những động lực mới để địa phương thu hút đầu tư, phát triển quỹ đất...

BÙI VĂN CƯỜNG
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kiến Quốc (Ninh Giang)

(0) Bình luận
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở: Nơi tăng tốc, chỗ gặp khó