Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã và đang bộc lộ những hạn chế, bất cập.
Đề nghị giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện
Trong thực tế, việc thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc. Trong hội nghị này, đại diện Thường trực HĐND các tỉnh đã đề xuất nhiều kiến nghị và giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn.
Về tổ chức của HĐND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định Thường trực HĐND cấp xã gồm: Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch đã gây khó khăn, bất cập trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND cấp xã trong trường hợp có ý kiến khác nhau hoặc khuyết một chức danh, khi họp biểu quyết. Vì Thường trực HĐND làm việc theo chế độ tập thể và phiên họp Thường trực HĐND phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên Thường trực HĐND tham dự. Đề nghị quy định Thường trực HĐND cấp xã gồm: Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch và Trưởng các ban của HĐND cấp xã.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 cũng quy định HĐND cấp huyện, cấp xã có Ban Kinh tế - Xã hội, Ban Pháp chế, nơi nào có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thì thành lập Ban Dân tộc… Việc quy định như hiện nay dẫn đến tình trạng quá tải và thiếu hiệu quả của Ban Kinh tế - Xã hội HĐND cấp huyện, cấp xã. Để khắc phục tình trạng phạm vi hoạt động Ban Kinh tế - Xã hội của HĐND cấp huyện, cấp xã quá rộng, đề nghị quy định theo hướng HĐND cấp huyện, cấp xã thành lập Ban Kinh tế, Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Pháp chế.
Luật không quy định HĐND cấp xã thành lập các tổ đại biểu HĐND cấp xã đã gây khó khăn cho việc tiếp xúc cử tri, giám sát và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của tổ đại biểu HĐND cấp xã. Đề nghị quy định thành lập tổ đại biểu HĐND cấp xã. Luật cũng quy định cứng về số lượng 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động chuyên trách làm tăng biên chế của chính quyền địa phương trong bối cảnh cả nước đang thực hiện tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị; đồng thời, làm giảm tính linh hoạt và chủ động trong bố trí, sử dụng nhân sự trên địa bàn của chính quyền địa phương cấp huyện. Đề nghị quy định theo hướng giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện...
(Trích tham luận của Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc)
Thẩm quyền giải quyết các vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp chưa thống nhất
Giải quyết các vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp HĐND tỉnh là nhiệm vụ rất quan trọng và là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của Thường trực HĐND, các ban của HĐND tỉnh. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và văn bản hướng dẫn thực hiện không giao thẩm quyền cho Thường trực HĐND tỉnh trong việc trực tiếp giải quyết các vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp. Cụ thể, điều 104 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết 629/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND là đề xuất, chuẩn bị kỳ họp, tổ chức giám sát và một số công việc khác của Thường trực HĐND. Cụ thể, khoản 2, điều 1, Nghị quyết 629/2019/UBTVQH14 ngày 30.1.2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn một số hoạt động của HĐND quy định: “Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND có tính cấp bách, cần quyết định ngay, phát sinh trong thời gian giữa 2 kỳ họp thường lệ của HĐND thì Thường trực HĐND tự mình hoặc theo yêu cầu của Chủ tịch UBND cùng cấp hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu HĐND quyết định triệu tập kỳ họp bất thường của HĐND để xem xét, quyết định...”. Trong khi đó, một số luật và văn bản quy phạm lĩnh vực chuyên ngành thì có giao thẩm quyền cho Thường trực HĐND tỉnh.
Như vậy, việc quy định thẩm quyền giải quyết các vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp chưa được làm rõ, đầy đủ và thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, việc thực hiện của các địa phương cũng không thống nhất, mỗi địa phương áp dụng một văn bản.
Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng cụ thể hóa thẩm quyền của HĐND, vừa bảo đảm thẩm quyền của HĐND, vừa tạo điều kiện để tranh thủ thời cơ, bứt phá để phát triển. Bổ sung quy định HĐND ủy quyền cho Thường trực HĐND cùng cấp giải quyết một số vấn đề cụ thể, cần thiết phát sinh giữa 2 kỳ họp, để tạo sự linh hoạt, chủ động trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương. Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện các luật chuyên ngành và Nghị định hướng dẫn để Thường trực HĐND giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp. Chính phủ và các bộ, ngành trung ương rà soát lại các nghị định, thông tư để điều chỉnh, bổ sung những nội dung chưa có, chưa phù hợp hoặc luật đã giao nhưng chưa cụ thể hóa trong các nghị định, thông tư hướng dẫn, để tạo sự thống nhất, đồng bộ giúp HĐND, Thường trực HĐND thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.
(Trích tham luận của Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên)
Cần quy định rõ hơn về cơ cấu, tổ chức các cơ quan của HĐND các cấp
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 phải bảo đảm quy định rõ ràng hơn về cơ cấu, tổ chức các cơ quan của HĐND các cấp; cần quy định rõ hơn nhiệm vụ của “Kỳ họp HĐND" và "Thường trực HĐND". Về số lượng đại biểu HĐND ở các cấp đề nghị sửa đổi theo hướng giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp nhưng không giảm số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, nhất là đối với cấp tỉnh. Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần bổ sung rõ chế tài cụ thể, rõ ràng đối với UBND và các cơ quan, đơn vị, địa phương khi không chấp hành đúng nghị quyết của HĐND, không thực hiện đủ kiến nghị qua giám sát của các ban HĐND, không giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cử tri, các đơn thư của công dân do đại biểu HĐND trực tiếp giám sát và phản ánh. Hiện nay luật mới chỉ dừng lại ở mức quy định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương phải báo cáo, giải trình khi HĐND, Thường trực HĐND, các ban, đại biểu HĐND có yêu cầu và chỉ tiếp tục kiến nghị xử lý “trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát thì xử lý theo thẩm quyền, hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý". Quy định này chưa thể hiện rõ được vai trò của HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Luật cũng cần bổ sung quy định về thẩm quyền của HĐND, Trưởng các ban HĐND trong việc đánh giá, nhận xét về kết quả hoạt động của các đại biểu HĐND, nhất là ủy viên của các ban HĐND, nhằm tăng cường trách nhiệm của đại biểu HĐND và thành viên của các ban HĐND. Cần sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện phục vụ, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ của các ban HĐND để tương xứng, bởi lẽ hiện nay hoạt động của các ban HĐND cấp tỉnh đang sử dụng chung nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, nhân sự và các hoạt động khác cùng với Văn phòng HĐND cấp tỉnh.
(Trích tham luận của Thường trực HĐND TP Hải Phòng)