Việc tinh giản biên chế nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ; thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội...
Theo kế hoạch triển khai thực hiện chính sách về tinh giản biên chế (TGBC) của UBND tỉnh ban hành ngày 24-6-2015, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng Đề án TGBC giai đoạn 2015-2021 và Đề án TGBC hằng năm của đơn vị mình trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, phải xác định tỷ lệ TGBC đến năm 2021 tối thiểu là 10% số biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao năm 2015. Phóng viên Báo Hải Dương đã phỏng vấn đồng chí Phạm Văn Tỏ, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ về thực hiện chính sách TGBC trên địa bàn tỉnh.
- Đề nghị đồng chí cho biết, mục đích, yêu cầu của việc thực hiện chính sách TGBC tại tỉnh ta?- Mục đích của việc TGBC và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ; thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương. Việc tinh giản cũng nhằm đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí, sắp xếp công tác khác, bố trí đúng người, đúng việc theo vị trí việc làm, từng bước nâng cao chất lượng cán bộ, công chức.
Yêu cầu của tỉnh trong thực hiện TGBC là phải bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quá trình thực hiện TGBC. Việc tinh giản phải được tiến hành trên cơ sở rà soát, sắp xếp lại tổ chức và đánh giá, phân loại CBCCVC, lao động hợp đồng không xác định thời hạn trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Phải bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và theo quy định của pháp luật. Việc thực hiện chi trả chế độ, chính sách TGBC phải kịp thời, đầy đủ và theo đúng quy định của pháp luật. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm trong việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của CBCCVC và hợp đồng lao động không xác định thời hạn hằng năm; tổ chức triển khai thực hiện TGBC; chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện TGBC trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý theo thẩm quyền.
- Được biết, liên ngành nội vụ, tài chính, bảo hiểm xã hội đã xây dựng hướng dẫn về thực hiện chính sách TGBC. Có đối tượng nào thuộc nhóm chưa xem xét TGBC trong giai đoạn này?
- Đối tượng chưa xem xét TGBC là những người đang trong thời gian ốm đau có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền; CBCCVC và người lao động đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; những người đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Đề nghị đồng chí cho biết, lộ trình thực hiện chính sách TGBC của tỉnh ta?- Theo kế hoạch của UBND tỉnh, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng Đề án TGBC giai đoạn 2015-2021 và Đề án TGBC hằng năm của đơn vị mình trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, phải xác định tỷ lệ TGBC đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao năm 2015. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp. Chỉ tuyển dụng số CBCCVC mới tối đa không quá 50% số biên chế CBCCVC đã thực hiện TGBC và không quá 50% số biên chế CBCCVC đã giải quyết chế độ nghỉ hưu đúng tuổi hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật (trừ cán bộ, công chức cấp xã).
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị lập danh sách và dự toán số tiền trợ cấp cho từng đối tượng TGBC theo định kỳ 2 lần /năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở đề án TGBC được phê duyệt. Xây dựng đề án TGBC, lập danh sách dự kiến đối tượng thuộc diện TGBC của đơn vị đến ngày 31-12-2021 gửi về Sở Nội vụ trước ngày 30-8-2015 để thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt. Đối với cơ quan Đảng, đoàn thể xây dựng đề án gửi về Ban Tổ chức Tỉnh ủy thẩm định, trình Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt.
Thời điểm thực hiện chính sách TGBC hằng năm được quy định thực hiện như sau: định kỳ 2 lần/năm, trong đó lần 1 chậm nhất vào ngày 1-4, lần 2 chậm nhất vào ngày 1-10 hằng năm các cơ quan, tổ chức, đơn vị lập danh sách và dự toán kinh phí thực hiện việc tinh giản trong thời gian 6 tháng của đơn vị mình gửi Sở Nội vụ, Sở Tài chính để trình UBND tỉnh. Riêng năm 2015, các đơn vị tổng hợp danh sách các đối tượng TGBC gửi về Sở Nội vụ, Sở Tài chính chậm nhất ngày 1-10-2015.
Thủ tục, hồ sơ đề nghị thực hiện chính sách TGBC được thực hiện theo hướng dẫn của Sở Nội vụ, Sở Tài chính và Bảo hiểm xã hội tỉnh trên cơ sở các quy định hiện hành.
- Xin cảm ơn đồng chí.
8 địa phương đã triển khai thực hiện tinh giản biên chế
Đến hết tháng 7-2015, toàn tỉnh có 8 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành việc tổ chức hội nghị triển khai và chỉ đạo tập huấn, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị; Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014 của Chính phủ; Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-BNV-BTC ngày 14-4-2015 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn của tỉnh về thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Các huyện chưa triển khai hội nghị theo kế hoạch của tỉnh là: Gia Lộc, Kim Thành, Kinh Môn và Thanh Hà. Theo kế hoạch của UBND tỉnh, trước ngày 30-8-2015, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải lập danh sách dự kiến đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế đến ngày 31-12-2021 gửi về Sở Nội vụ . PV
|
Người đứng đầu phải công tâm
Tinh giản biên chế (TGBC) là chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức gọn nhẹ và hiệu quả hơn. Theo quy định tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP, các đối tượng thuộc 7 trường hợp dôi dư và chưa đạt trình độ đào tạo sẽ thuộc diện TGBC. Như vậy, sẽ có một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước có nguy cơ mất việc làm khi bị xếp vào nhóm dôi dư cần tinh giản. Làm thế nào để bảo đảm tinh giản đúng người, đúng chỗ là vấn đề các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan phải quan tâm. Người đứng đầu các cơ quan phải thực sự công tâm, có trách nhiệm trong đánh giá cán bộ. Nếu không có thể những người làm được việc lại thuộc diện bị TGBC. Theo tôi, cần phải có quy định rõ ràng, tiêu chí cụ thể hơn cho các trường hợp thuộc diện TGBC, để bảo đảm sự công bằng, theo đúng chủ trương thu hẹp bộ máy để nâng cao chất lượng.
Nguyễn Xuân Sơn, Khu 5 phường Ngọc Châu (TP Hải Dương)
Tinh giản phải đi đôi với nâng cao chất lượng cán bộ, công chức
Vì công việc nên tôi thường xuyên tiếp xúc, làm việc tại nhiều cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước. Không ít lần tôi đã gặp một số cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn chưa đáp ứng công việc được giao hoặc có thái độ, ứng xử chưa thân thiện, văn minh với công dân, tổ chức đến giao dịch. Tuy có thể đó chỉ là "những con sâu bỏ rầu nồi canh" nhưng tôi nghĩ cũng đã đến lúc không nên để những cán bộ, công chức, viên chức đó ảnh hưởng đến bộ máy hành chính công, gây phiền hà, sách nhiễu cho nhân dân. Việc thực hiện chính sách TGBC nên coi trọng đến nhiệm vụ này, coi đây là cơ hội thanh lọc bộ máy, nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Việc tinh giản phải bảo đảm công bằng, minh bạch, khách quan để mỗi cán bộ làm việc trong bộ máy hành chính nhà nước có dịp soi lại sửa mình, thay đổi tư duy, đáp ứng tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Vũ Văn Tuấn (Đặng Quốc Trinh, TP Hải Dương)
|
TRUNG THU (thực hiện)