Sáng 11.6, tại TP Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dự và chỉ đạo tại hội thảo.
Tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao sáng kiến của các bên liên quan trong việc chọn ngày 16/6 là Ngày không tiền mặt; đồng thời nhấn mạnh thanh toán không tiền mặt không chỉ giúp giảm chi phí xã hội và đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp mà còn góp phần phòng chống tham nhũng, rửa tiền và các tội phạm kinh tế.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trong những năm gần đây, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ chủ trương triển khai Chính phủ điện tử, cung ứng dịch vụ công cấp độ 3, 4.
Hiện nay, việc thiết kế cơ chế, chính sách phù hợp cũng như xây dựng, triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đồng bộ hướng tới xã hội không tiền mặt là vấn đề vừa có tính cấp bách vừa có ý nghĩa lâu dài trong bối cảnh mới. Bởi lẽ, hành vi của người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng từ giao dịch gặp mặt trực tiếp sang tương tác chủ yếu qua các kênh số trên thiết bị di động vào tất cả các dịch vụ trong xã hội, từ tin tức, điện ảnh cho đến giao hàng, gọi xe, lưu trú, thanh toán...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham quan và trải nghiệm dịch vụ thanh toán không tiền mặt tại các ngân hàng, trung gian thanh toán
Dẫn lại số liệu của Ngân hàng Nhà nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, với sự tăng trưởng thanh toán di động lên đến 160% trong năm 2018, Việt Nam được đánh giá là thị trường tăng trưởng tốt nhất trong khu vực ở lĩnh vực này. Trong thời gian tới, việc thanh toán không dùng tiền mặt cần phải được đẩy mạnh hơn nữa để rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực cũng như thúc đẩy các dịch vụ khác phát triển.
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị, Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động thanh toán nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn phát sinh, làm cơ sở cho việc xây dựng, triển khai các quy trình nghiệp vụ, đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ mới. Đồng thời, các cơ quan chức năng rà soát, chuẩn hóa tiêu chuẩn quốc gia về QR code trong thanh toán không dùng tiền mặt; chuẩn hóa hệ thống thông tin của các cơ quan, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công, bao gồm hành chính công, sự nghiệp công và dịch vụ công ích và các chính sách liên quan đến phí sử dụng dịch vụ…
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 và Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công như điện nước, học phí, an sinh xã hội…
Về đầu tư hạ tầng thanh toán điện tử, Phó Thủ tướng cũng lưu ý các ngân hàng thương mại phải đẩy mạnh cung ứng hạ tầng, dịch vụ thanh toán điện tử hiện đại cho phép tích hợp và xử lý thanh toán cho các dịch vụ trong nền kinh tế. Các bộ, ngành, đơn vị cung ứng dịch vụ cũng phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin cho phép quản lý theo hướng tập trung và có khả năng kết nối, tích hợp với hạ tầng thanh toán của ngành ngân hàng…
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, thúc đẩy thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra tác động kép vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ ngân hàng-tài chính.
“Tuy nhiên, xã hội không tiền mặt cũng có những vấn đề quan ngại trước những rủi ro tiềm ẩn về tính bảo mật, an toàn dữ liệu, an ninh mạng... Đây là điều mà các cơ quan quản lý của Việt Nam đang và sẽ rất lưu tâm trong quá trình hoạch định, triển khai các chính sách hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nói.
Để tiến tới xã hội không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước định hướng xây dựng, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin; trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số. Xây dựng hạ tầng thanh toán quốc gia, xử lý thanh toán theo thời gian thực, vận hành liên tục, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong nền kinh tế số, đặc biệt có khả năng kết nối, tích hợp và xử lý thanh toán cho tất cả các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ.
Ngân hàng Nhà nước cũng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu cách mạng 4.0 trong ngành ngân hàng, tăng cường hợp tác ngân hàng với các trung gian thanh toán để tạo sự phát triển năng động, bứt phá trong hoạt động ngân hàng, gia tăng lợi ích và sự hài lòng của khách hàng; đồng thời, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Riêng trong năm 2019, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực, chủ động thực thi một số nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt như: xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, Nghị định quy định một số giải pháp để mở rộng về phạm vi và đối tượng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại nhằm thay đổi dần tâm lý, thói quen sử dụng tiền mặt của người tiêu dùng….
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã có kết quả đáng ghi nhận trong năm 2018. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong năm 2018, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý an toàn với giá trị 73 triệu tỷ đồng (gấp 13 lần GDP, xử lý khoảng 13 tỷ USD/ngày), tăng trưởng 25% so với năm 2017; giá trị thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng 169,5% so với năm 2017. Khảo sát của hãng kiểm toán PwC đối với 27 nước đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán di động ở Việt Nam đã tăng từ 37% lên 61%.
Các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán, như: phân tích hành vi khách hành trên dữ liệu lớn (Big data); xác thực sinh trắc học; ứng dụng mã phản hồi nhanh (QR Code); mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán thẻ chíp tiếp xúc và phi tiếp xúc (contact và contactless), thanh toán trên thiết bị di động (Mobile Payment),… Nhờ đó các ngân hàng đã liên tục cung ứng các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, mang lại nhiều trải nghiệm và lợi ích cho khách hàng.
Bên cạnh đó, hạ tầng thanh toán của nhiều ngân hàng đã kết nối, tích hợp và hỗ trợ phần lớn các giao dịch thanh toán cho dịch vụ của ngành hải quan, thuế, điện lực, viễn thông... đang được tiếp tục triển khai, mở rộng tới các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế bao gồm các đơn vị cung ứng dịch vụ công…
Theo TTXVN