Thúc đẩy nông nghiệp 4.0

05/08/2018 10:31

Thuật ngữ "cách mạng 4.0" trong ngành nông nghiệp, còn gọi là "nông nghiệp 4.0" mới xuất hiện vài năm nay.

Trên thế giới, nông nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước như Israel, Mỹ, Hà Lan, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc... Việt Nam không thể đứng ngoài làn sóng này, bởi nông nghiệp 4.0 là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng.

Ưu điểm của nông nghiệp 4.0 là tạo ra các nông sản chất lượng, năng suất cao ngay cả điều kiện thời tiết bất lợi. Thực hiện nông nghiệp 4.0, người lao động sẽ có điều kiện làm việc tốt hơn. Thông qua kết nối di động, người ta ngồi ở nhà vẫn có thể biết được diễn biến của từng lô ruộng cấy, từng chuồng gia súc gia cầm, từ đó ra các quyết định đúng, hiệu quả. Đã có những doanh nghiệp nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất rất thành công. Nhưng nhìn chung vai trò của khoa học-công nghệ còn hạn chế, chưa được coi là động lực then chốt để phát triển nông nghiệp.

Hải Dương vừa thu hoạch vụ lúa chiêm xuân thắng lớn cả về diện tích lẫn năng suất. Dù thời tiết diễn biến bất thường nhưng năng suất đạt trên 67 tạ/ha, tăng 2 tạ/ha so với vụ chiêm xuân năm trước. Nhiều huyện như Kim Thành, Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện... có năng suất lúa cao hơn hẳn mọi năm.
Có thể nói, thắng lợi vụ lúa chiêm xuân vừa qua là kết quả của cả một quá trình nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Dưới ánh sáng Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh ta đã phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, khắc phục khó khăn, từng bước phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, gắn với xây dựng nông thôn mới. Các địa phương đã quan tâm xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, thực hiện cơ giới hóa, chủ động tưới tiêu. UBND tỉnh có chính sách cụ thể hỗ trợ các vùng lúa tập trung.

Nhiều địa phương có những bứt phá mới. Huyện Thanh Miện đưa 8 giống lúa mới vào khảo nghiệm, tìm ra giống lúa phát triển tốt và cho năng suất cao. Huyện Nam Sách phát triển giống ngô biến đổi gien NK4300 bt/Gt trên diện tích 30 ha, chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất cao, gắn với bao tiêu sản phẩm. Ở huyện Kinh Môn, tỏi và bột sắn dây đã được bình chọn là "Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam" năm 2018. Tỉnh ta có 5 doanh nghiệp tham gia Hội chợ - Triển lãm giống và nông nghiệp công nghệ cao 2018 tại TP Hồ Chí Minh. Các doanh nghiệp đã giới thiệu một số loại nông sản tiêu biểu sản xuất theo hướng công nghệ cao như vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, dưa lưới VietGAP, nấm ăn sản xuất theo quy trình khép kín ứng dụng công nghệ sinh học, rau hữu cơ sản xuất trong nhà màng, nhà lưới... Nhiều doanh nghiệp đã bảo đảm đầu ra cho nông sản để người dân yên tâm sản xuất.

Với những kết quả trên, Hải Dương đang thực hiện có hiệu quả nông nghiệp 4.0. Hướng đến các công nghệ mới, tiên tiến, thông minh, các giải pháp công nghệ tự động, nông sản tỉnh ta đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Nông nghiệp tỉnh ta rất cần các cơ chế, chính sách phù hợp để người sản xuất và doanh nghiệp tiếp tục phát triển nông nghiệp 4.0 ngày càng hiệu quả.

HỮU NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thúc đẩy nông nghiệp 4.0